Mùa hè rực lửa đang đến: Thiếu than cung cấp cho nhà máy nhiệt điện, người dân miền Bắc đứng trước nguy cơ thiếu điện ngay từ tháng 4
Tình hình cung cấp than cho sản xuất điện gặp nhiều khó khăn, EVN kêu gọi tiết kiệm điện.
Ngày 30/03, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đưa ra thông cáo báo chí nhằm kêu gọi tiết kiệm điện.
Theo đó EVN cho biết căn cứ số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày 30/3/2022, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký. Trong quý 1/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các NMNĐ của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.
Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể: các NMNĐ Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy. Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than cho sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Mặc dù các đơn vị cung cấp than (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc) đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.
Năm 2021, điện than chiếm hơn 46% tổng sản lượng điện sản xuất - Nguồn: trang chủ EVN
Trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ,... góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện.
Giá điện liệu có tăng khi giá than tăng?
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh than, cung cấp than cho sản xuất điện năm 2022.
Báo Lao Động phản ánh, theo kế hoạch năm 2022 sản lượng than TKV phải cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 35 triệu tấn, gồm 20,92 triệu tấn than tiêu chuẩn Việt Nam và 14,08 triệu tấn than pha trộn giữa trong nước và than nhập khẩu.
TKV nhận định, kể cả tăng sản lượng than nguyên khai mà không có than nhập khẩu, hoặc than nhập khẩu về chậm, hoặc chất lượng không đảm bảo như kế hoạch thì khó có khả năng cung cấp đủ than cho các Nhà máy nhiệt điện.
TKV cho biết, việc đảm bảo sản lượng than cấp cho các NMNĐ theo khối lượng kế hoạch năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch.
Tuy nhiên, dự kiến 3 tháng đầu năm, TKV mới chỉ nhận được 325 nghìn tấn.
Việc không nhập khẩu được than theo đúng tiến độ, TKV cho hay - ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới, còn do đến ngày 2.3.2022, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật giá, dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.
Theo đó, hiện nay, sau khi EVN chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn.
Kèm theo đó là giá than thế giới tăng đột biến. TKV đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý II.2022. Tuy nhiên, do giá than thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng chiến tranh giữa Nga và Ucraina làm khan hiếm nguồn cung dẫn tới khả năng không có đơn vị trúng thầu.
Nguồn ảnh: Báo Công thương
Theo TKV, có một số Nhà máy điện than (kể cả trong EVN và ngoài EVN) đã ký hợp đồng mua bán than dài hạn, trung hạn với TKV, nhưng lại thường xuyên không đảm bảo thực hiện theo cam kết.
Khi nguồn bên ngoài giá thấp hay điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà máy điện tăng cường lấy than bên ngoài, không tiêu thụ than của TKV (lấy khối lượng ít hơn so với hợp đồng đã ký) dẫn đến tồn kho cao, TKV phải giảm sản lượng sản xuất;
Ngược lại, khi giá cao hay thời tiết không thuận lợi (mưa bão, lũ lụt...) thì lại quay về lấy than của TKV với khối lượng cao, đặc biệt trong điều kiện hiện nay giá than thế giới tăng đạt mức kỷ lục, gấp trên 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế này dẫn đến việc, nếu TKV không đưa vào kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thì sẽ không đủ nguồn than cung cấp cho các nhà máy điện, do đó dẫn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh than của TKV không ổn định, không đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài.
Do đó, TKV đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo các Nhà máy nhiệt điện tôn trọng và thực hiện nghiêm túc việc nhận than theo hợp đồng dài hạn đã ký kết với TKV.
Bên cạnh đó, phải đăng ký nhu cầu than hàng năm với khối lượng không chênh lệch quá khối lượng bình quân theo hợp đồng dài hạn và thực hiện tiếp nhận đúng khối lượng than đã đăng ký để TKV có kế hoạch đầu tư các dự án và chủ động sản xuất than cung cấp cho sản xuất điện bền vững.
TKV cũng đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính Phủ cho phép các chủ đầu tư các Nhà máy nhiệt điện BOT dùng thêm nguồn than pha trộn nhập khẩu như các Nhà máy Nhiệt điện khác, do nguồn than trong nước phải đưa vào pha trộn với than nhập khẩu mới đảm bảo đủ than cung cấp cho các Nhà máy nhiệt điện.
Đặc biệt, TKV kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá bán than trong nước, đặc biệt giá bán than cho các Nhà máy nhiệt điện. Bởi trước tình hình giá nguyên liệu, sắt thép năm 2022 tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm. Cộng với chi phí chống dịch và tiền lương giữ chân lao động thợ lò tăng cao, làm giảm hiệu quả kinh doanh của TKV.
Tại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 635 ha.