Mua lại chuỗi siêu thị VinMart từ Vingroup, Masan thành "ngư ông đắc lợi" nhờ Covid: Vốn hóa lập kỷ lục 6 tỷ USD, sắp tung "át chủ bài" cho ván cờ bán lẻ

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:14 AM 14/07/2021

Cổ phiếu của Masan cùng nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác vẫn tiếp tục tăng giá trong thời gian gần đây, dù thị trường chung giảm mạnh. Giá trị vốn hóa của Masan đã lên 141.546 tỷ đồng trong ngày 12/7, tương đương khoảng hơn 6,1 tỷ USD.

Trong tuần giao dịch từ 5/7 đến 9/7, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc khi nhà đầu tư mạnh tay bán tháo cổ phiếu. VN-Index mất tổng cộng 73 điểm, giảm từ 1.420 điểm xuống 1.347 điểm.

Trong bối cảnh cả thị trường giảm điểm, cổ phiếu MSN của Masan lại diễn biến trái chiều. Tuần trước, giá cổ phiếu MSN không những không giảm, mà còn ghi nhận tăng 2,6% và đóng cửa tại 116.900 đồng/cổ phiếu. Sang phiên giao dịch đầu tuần này, ngày 12/7, VN-Index giảm tiếp hơn 50 điểm nhưng Masan lại ngược chiều tăng giá tiếp 2,6%, lên mức 119.900 đồng/cổ phiếu.

Với mức giá này, giá trị vốn hóa của Masan hiện ở mức 141.546 tỷ đồng trong ngày 12/7 (tương đương 6,1 tỷ USD), cao nhất lịch sử.

Mua lại chuỗi siêu thị VinMart từ Vingroup, Masan thành ngư ông đắc lợi nhờ Covid: Vốn hóa lập kỷ lục 6 tỷ USD, sắp tung át chủ bài cho ván cờ bán lẻ - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu Masan giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 13/7, sau khi lập đỉnh 119.900 đồng ngày 12/7

Việc tăng giá có phần “ngược dòng” của cổ phiếu của Masan không phải là câu chuyện hi hữu trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp như Thế Giới Di Động, FPT Retail, PNJ... đều ghi nhận giá cổ phiếu tăng, bất chấp sự sụt giảm của thị trường. Điểm chung của nhóm này là đều thuộc ngành bán lẻ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài suốt hơn 1 năm qua, bán lẻ hiện đại ở vị thế của "ngư ông đắc lợi". Mặc dù các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được chính quyền đưa ra khiến nhiều cửa hàng bán lẻ phải tạm thời đóng cửa trong thời gian giãn cách, nhưng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn được mở cửa. Các hệ thống phân phối hiện đại này cũng được yêu cầu tăng năng lực dự trữ và bán hàng để phục vụ người dân. Khi nhu cầu ăn uống và giải trí tại nhà tăng lên, cùng với nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm cao hơn trong thời gian giãn cách, có thể nói Covid đã "giúp" Masan trở thành một trong những doanh nghiệp hưởng lợi trên thị trường.

Bản thân Masan cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các phương án kinh doanh cho mảng bán lẻ và dịch vụ kể từ khi mua lại VinCommerce từ Vingroup hồi cuối năm 2020. Các phương án và kế hoạch hành động cụ thể để cải thiện hiệu quả chuỗi VinMart và VinMart đã được thực thi ngay trong nửa đầu năm 2021.

Trong những tháng đầu năm, Masan đã tiếp tục đóng các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả theo kế hoạch đã đặt ra từ quý 4/2020, nhưng dự kiến năm nay số cửa hàng vẫn sẽ tăng thêm 300-700 (sau khi trừ các cửa hàng đóng cửa), chủ yếu là tăng các siêu thị mini.

Bên cạnh đó, VinCommerce cũng triển khai thí điểm hàng chục cửa hàng siêu thị mini theo các mô hình khác nhau nhằm tìm ra công thức cửa hàng phù hợp trước khi tăng tốc mở rộng cửa hàng trở lại. Hơn một nửa trong số các cửa hàng thử nghiệm này ở Hà Nội và phần còn lại ở TPHCM. Masan cho biết, các cửa hàng thử nghiệm này đang mang lại kết quả tốt hơn các cửa hàng hiện hữu của VinCommerce, bao gồm tổng doanh thu/cửa hàng cao hơn khoảng 10% và doanh thu sản phẩm tươi sống/cửa hàng cao hơn khoảng 15%.

Masan đã bắt đầu triển khai rộng rãi mô hình siêu thị mini mới tại Hà Nội và dự kiến sẽ bắt đầu tại TPHCM vào cuối năm 2021. Các cửa hàng mới được đặt mục tiêu hòa vốn EBITDA chỉ sau 6 tháng hoạt động và thu hồi hoàn toàn vốn đầu tư sau 2 năm hoạt động.

Theo ban lãnh đạo Masan, dựa trên tổng biên lợi nhuận thương mại (TCM) đạt được vào năm 2020, mức doanh thu/m2 cần để một cửa hàng có thể hòa vốn là khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu VinCommerce có thể đạt được mục tiêu nâng TCM thêm 2,5-3 điểm % vào năm 2021, con số này sẽ giảm xuống 6,6 triệu-6,7 triệu đồng. Trong quý 1/2021, doanh thu/m2 trung bình của VinMart (siêu thị nhỏ) đạt khoảng 6,6 triệu đồng, trong khi VinMart (siêu thị) đạt khoảng 5,7 triệu đồng. Rõ ràng, hệ thống VinMart sẽ là quân bài giải bài toán "hòa vốn" cho VinCommerce của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Mua lại chuỗi siêu thị VinMart từ Vingroup, Masan thành ngư ông đắc lợi nhờ Covid: Vốn hóa lập kỷ lục 6 tỷ USD, sắp tung át chủ bài cho ván cờ bán lẻ - Ảnh 2.

Không dừng ở đó, Masan còn muốn tích hợp đa dạng dịch vụ vào các cửa hàng VinMart , như kiosk Phúc Long, dịch vụ tài chính Techcombank...

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021, Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang từng chia sẻ về kế hoạch biến các cửa hàng bán lẻ hiện đại của VinCommerce thành một nơi vượt ra ngoài phạm vi của các cửa hàng nhu yếu phẩm thông thường.

Bắt đầu từ năm 2021, VinMart (tương lai là WinMart) sẽ triển khai các dịch vụ tài chính do Techcombank cung cấp, ít nhất trên 50% số cửa hàng. Việc kết hợp cung cấp nhu yếu phẩm và dịch vụ tài chính có thể giúp Masan Group tiếp cận 50% ngân sách cho tiêu dùng, đây là luận điểm mà ban điều hành tập đoàn đưa ra khi mở rộng sang các dịch vụ mới.

Ý tưởng này xuất phát từ câu chuyện mà ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông. Dịch vụ tài chính Masan, theo ông Quang là financial life, đáp ứng đời sống tài chính của mỗi người dân.

"Khoảng 60 – 70% người Việt Nam đang sống tại nông thôn, không có thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, không có ngân hàng bên cạnh để phục vụ họ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có đời sống tài chính. Chỉ là đời sống tài chính của họ đang dựa trên tiền mặt, trên các tài sản họ tích lũy từ tiền tiết kiệm hàng năm".

"50 tỷ USD là giá trị tiền mặt đang giữ trong túi của 100 triệu người Việt Nam mà không để ở ngân hàng. Nếu nói về lượng vàng còn nhiều hơn, một số đáng kể nằm ở ngoại tệ mạnh", ông Quang cho biết.

Nhờ dịch Covid, các dịch vụ tài chính gắn liền với bán lẻ, đặc biệt là thanh toán online và phi tiền mặt sẽ là mảnh đất cực kỳ màu mỡ đối với Masan.

"Nếu chỉ nhìn vào những con số sẽ không công bằng. Chúng tôi vừa tái định hình nền tảng, gần như bấm nút reset khi sáp nhập VinCommerce.

Chúng ta cần nhìn vào lộ trình và thấy được tiềm năng hơn là những con số hiện tại. Cái chúng tôi làm ở đây không phải để kiếm lợi nhiều hơn từ việc tăng biên lợi nhuận và tính tiền cho người tiêu dùng. Cái chúng tôi muốn làm là tạo ra giá trị, chuyển đổi và thay đổi bình diện chung của hoạt động tiêu dùng bán lẻ ở Việt Nam", Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group khẳng định.

Đó là lộ trình tương lai. Trở lại với thực tại, hành trình thoát lỗ của các cửa hàng VinMart và VinMart vẫn là một thách thức với ban lãnh đạo Masan trong năm nay. Năm 2020, số lỗ của Vincommerce vẫn chưa giảm xuống mà tiếp tục tăng lên mức kỷ lục 3.222 tỷ đồng.

Hà My
Ý kiến của bạn
Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.