“Mùa ngọt” của nghề nuôi ong lấy mật ở Hà Tĩnh
Những năm gần đây, tận dụng những lợi thế về vị trí và thuận lợi của tự nhiên, người dân Hà Tĩnh đầu tư nghề nuôi ong lấy mật mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mở ra triển vọng phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ong, thay đổi tư duy làm kinh tế của người dân tại địa phương.
Nhiều hộ dân ở xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân đã bắt đầu với nghề nuôi ong lấy mật từ nhiều năm nay. Tận dụng lợi thế tự nhiên từ vườn rừng ven chân núi Hồng Lĩnh, nghề nuôi ong được người dân ở đây đầu tư và truyền kinh nghiệm cho nhau để cùng phát triển.
Là một trong những hộ gia đình tiên phong trong nghề nuôi ong lấy mật, từ vài đàn ban đầu, đến nay ông Trần Đức Bảo ở thôn 5 phát triển lên thành 50 đàn. Tận dụng khu vườn nhà rộng hơn 1000 m2 nằm ven chân núi Hồng Lĩnh, gia đình ông đã trồng các loại cây ăn quả kết hợp với nuôi ong, bố trí các tổ rải rác xung quanh vườn. Cây trong vườn cũng là một nguồn thức ăn dồi dào cho ong lấy mật, vừa đảm bảo môi trường tự nhiên cho ong sinh trưởng.
Ông Trần Đức Bảo chia sẻ: Lúc đầu gia đình chỉ nghĩ đơn giản là tận dụng không gian vườn rừng, tranh thủ giờ nhàn rỗi nuôi vài tổ ong lấy mật để tăng gia sản xuất. Vừa nuôi ong vừa tích luỹ kinh nghiệm và kỹ thuật, biết cách nhân đàn nên phát triển thêm và cung ứng sản phẩm mật ong ra thị trường để tăng thêm thu nhập. Nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tuy nhiên, để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao đòi hỏi sự khéo léo cẩn thận của người nuôi khi chăm sóc".
Nghề nuôi ong tuy ít chi phí đầu tư và công sức nhưng lại đòi hỏi phải có kỹ thuật cơ bản, đặc biệt là sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Càng làm nghề lâu năm thì người nuôi ong càng có nhiều kinh nghiệm, vì vậy sự kiên trì và chịu khó vẫn là yêu cầu tiên quyết.
Là một người có thâm niên trong nghề nuôi ong tại xã Xuân Lam, ông Trần Văn Trực ở thôn 4 hiện có 40 đàn sinh trưởng tốt và mang lại nguồn thu hoạch mật ong ổn định. Không chỉ có thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật, ông Trực còn bán tổ ong giống cho người dân trong xã.
Ông Trực cho biết: "Chi phí gây dựng một đàn ong chỉ mất khoảng hơn 1 triệu đồng. Bình quân hằng năm, mỗi đàn ong có thể cho thu hoạch 10 lít mật nguyên chất. Trong năm 2022, gia đình tôi đã thu hoạch được gần 300 lít mật từ 40 đàn ong của gia đình, mỗi lít mật ong bán với giá từ 400 - 450 nghìn đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, thu lãi về gần 100 triệu đồng".
Vốn có tính cần cù và chịu khó, người dân ở xã Xuân Lam đã biết cách khai thác tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả có hiệu quả để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hiện trên địa bàn xã Xuân Lam có trên 50 hộ nuôi ong lấy mật, tập trung tại các thôn 3, thôn 4 và thôn 5 với hàng trăm đàn ong. Bình quân mỗi năm, các hộ dân nuôi ong thu hoạch hàng nghìn lít mật ong. Đây cũng đang được xem là phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng đến mở rộng trong toàn xã để tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Tại huyện Vũ Quang, nhận thấy nghề nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương, người dân đã không ngừng mạnh dạn nhân rộng đàn kết hợp với trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Ông Nguyễn Quang Đài ở thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh - người hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi ong ở Vũ Quang cho biết: "Nhờ thời tiết thuận lợi, các loại cây rừng cho hoa nhiều, do đó nguồn thức ăn của ong dồi dào nên chất lượng mật tốt và sản lượng cao. Với nghề nuôi ong lấy mật, gia đình tôi có nguồn kinh tế ổn định từ 100 triệu/năm. Chúng tôi cũng yên tâm để đầu tư kỹ thuật, nhân giống tăng đàn".
Sản lượng thu hoạch mật ong của gia đình ông tăng dần đều theo từng năm. Năm ngoái, gần 60 tổ ong của gia đình cho hơn 7 tạ mật. Năm nay ong tiết mật đều, khí hậu cũng thuận hoà hơn nên khả năng sản lượng mật sẽ cao hơn, vì vậy thu nhập cũng sẽ mang lại con số lớn hơn.
Được biết, toàn huyện Vũ Quang hiện có hơn 1.000 hộ nuôi ong với hơn 7.500 đàn sinh trưởng tốt, năng suất thu hoạch mật ổn định. Theo kinh nghiệm của người dân tại huyện Vũ Quang, thì nghề nuôi ong không cần đầu tư nhiều vốn và công sức mà chỉ cần nắm được kỹ thuật, tập tính của ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách mỗi khi đàn ong quá đông.
Bên cạnh đó, ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như: thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, thường xuyên vệ sinh thùng đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất mật cao, chất lượng.
Những năm gần đây, người dân xã Gia Hanh, Can Lộc đã tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Ước tính thu nhập từ nuôi ong mang lại khoảng 25-100 triệu đồng/hộ/năm. Hầu hết, người dân ở xã Gia Hanh đều chọn nuôi đàn ong ruồi bởi nhiều ưu điểm vượt trội như: tính tụ đàn cao, thế đàn đông, năng suất mật vượt trội, ít dịch bệnh, rất phù hợp để đầu tư phát triển trên quy mô lớn và cho giá trị kinh tế cao.
Mô hình nuôi ong lấy mật của xã Gia Hanh được triển khai từ năm 2019. Mô hình đã phát huy tiềm năng về nguồn hoa phong phú từ rừng tự nhiên và diện tích cây ăn quả của địa phương. Thực tế cho thấy, hoa cam, hoa bưởi sẽ cho mật màu vàng óng; hoa rừng sẽ cho mật màu đậm. Mật ong ở Gia Hanh dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác, không bị ngả màu hay đóng đường nên được khách hàng tin tưởng sử dụng.
Tại thôn Phan Sơn, xã Gia Hannh, gia đình cựu chiến binh Võ Quốc Lan cũng đang tập trung chuẩn bị để vào vụ thu hoạch chính của mùa lấy mật năm nay. Ông Lan cho biết: "Gia đình tôi có 12 đàn ong. Thời điểm vào vụ từ tháng 3 đến tháng 6, khoảng 15 - 20 ngày, gia đình tôi lại thu hoạch một vụ mật. Ước tính, với 4 lần quay, tôi sẽ thu hơn 96 lít mật chất lượng cao. Mật ong thu hoạch được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Nhờ nghề nuôi ong lấy mật mà gia đình tôi đã tạo được sinh kế và có thu nhập ổn định".
Đến nay, toàn xã Gia Hanh có 57 hộ nuôi ong với tổng số 220 đàn. Nhờ nuôi ong lấy mật, kinh tế của các hội viên nông dân ngày càng phát triển. Ước tính, thu nhập từ nuôi ong mỗi năm mang lại từ 30 - 100 triệu đồng/hộ. Nhận thấy đây là mô hình thích hợp để giúp người dân phát triển kinh tế, địa phương đã thành lập HTX Nuôi ong lấy mật xã Gia Hanh với 29 thành viên.
Tình hình chung hiện tại của các địa phương nuôi ong lấy mật ở Hà Tĩnh vẫn còn mang tính tự phát, chưa xây dựng được thương hiệu để phát triển thành hàng hoá có nhãn hiệu riêng mang đặc thù vùng miền. Nghề nuôi ong lấy mật từ lâu đã đã trở thành sinh kế của bà con tại nhiều xã, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, rời rạc.
Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc xây dựng thương hiệu cho loại hàng hóa đặc sản này cần được chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa. Để giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm và khâu tiêu thụ, từ đó tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững. Hiệu quả thu nhập từ nuôi ong lấy mật là thực tế quan trọng thay đổi tư duy làm kinh tế của người dân, hình thành nên chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, để đưa sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh vượt ra khỏi địa phương, hướng ra thị trường rộng lớn hơn.
Lê DungVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.