Mua nhà trên mạng cẩn thận mất tiền

Tư vấn
09:39 AM 20/07/2021

Những trang tin rao mua bán bất động sản giúp kết nối người mua, người bán một cách dễ dàng, thuận tiện, ít tốn chi phí. Tuy nhiên, các thông tin rao mua, bán không được kiểm tra, thẩm định kỹ gây ra nhiều rủi ro cho người mua và thị trường.

Quan điểm "an cư lạc nghiệp" luôn nằm sâu trong tâm trí của người Việt. Đặc biệt, với những người lao động từ tỉnh lẻ lên thành phố lớn để lập nghiệp. Bởi đối với họ, sở hữu một căn nhà là mang ý nghĩa ổn định, khẳng định sự trưởng thành và là nền móng cho một tương lai vững chắc. Chính vì thế, nhiều người đã nỗ lực làm việc bất kể ngày đêm, hay ngày nghỉ, chỉ để mong có đủ tiền để mua được căn nhà nơi thành phố. Nhưng dường như, giấc mơ an cư của họ đang ngày càng xa vời, khi giá nhà ngày càng tăng cao.

Giăng bẫy thông tin trên mạng

Câu chuyện các dự án "ma" được rao bán rầm rộ trên các trang tin rao vặt là tình trạng chung gần như tại các địa phương trên cả nước.

Mua nhà trên mạng cẩn thận mất tiền - Ảnh 1.

Chỉ cần gõ cụm từ "mua dự án đất nền" trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, chỉ trong 0,69 giây, có tới hơn 37,3 triệu kết quả. Trong số các trang hiển thị đầu tiên, nhiều nhất là alonhadat.com.vn; batdongsan.com.vn, nha.chotot.com, muabannhadat.vn, nhadat24h.net, kenhbds.vn… Khi vào từng trang web trên, không quá khó để thấy rất nhiều sản phẩm cùng diện tích, cùng khu vực, thậm chí thuộc cùng 1 dự án, nhưng mức giá chênh nhau với những cam kết ưu đãi rất khác nhau.

Đơn cử, một thông tin rao bán dự án đất nền, mặt tiền 5 m với mức giá rẻ tại huyện Quốc Oai – TP. Hà Nội. Khi đến xem thực tế, thay vì là dự án đất nền mặt tiền 5 m như quảng cáo, cò đất này dẫn người mua đi xem một số nền đất xen kẹt nằm ở các khu dân cư trong khu vực.

Người môi giới liên tục dụ dỗ xuống tiền đặt cọc và quảng cáo đây là những khu đất có thanh khoản cao. Khi người mua không đồng ý mua các lô đất trên, cò đất này lại dẫn sang một khu vực khác lân cận. Nhưng vẫn là một khu đất lâm nghiệp bỏ hoang, hạ tầng thiếu đủ thứ, chỉ có vài hàng gạch để phân lô.

Khi người mua tỏ thái độ bức xúc vì quảng cáo không đúng sự thật, người môi giới đã quanh co, cố tình lái sang câu chuyện khác và cho biết, nếu khách không mua thì xin phép chạy đi có việc, vì… có khách khác đang gọi.

Cần kiểm chứng nguồn thông tin quảng cáo

Hiện nay, sự phát triển của internet và mạng xã hội giúp những người kinh doanh có thể dễ dàng đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình tới từng ngõ ngách trên thế giới thông qua hàng trăm các sàn giao dịch thương mại điện tử, hoặc các trang rao vặt.

Điểm đặc biệt, thông qua việc làm SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), hay quảng cáo Adwords…, các website này có thể thu hút lượt truy cập đến cả chục triệu lượt mỗi tháng. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của các thông tin đưa ra trên website này là rất lớn.

Việc rao bán nhà đất thổ cư đơn lẻ chỉ gây ảnh hưởng ở mức độ nhỏ. Với các dự án, việc rao bán với những thông tin sai lệch về dự án có thể ảnh hưởng tới uy tín của chủ đầu tư. Thậm chí, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản.

Mua nhà trên mạng cẩn thận mất tiền - Ảnh 2.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng tin giả, hay rao một đằng bán một nẻo trên các trang tin rao vặt. Theo lãnh đạo của Hội này cho biết, rất nhiều thông tin đăng trên các website mua bán bất động sản không đúng sự thật và một phần không nhỏ trong đó là tác nhân gây ra tình trạng sốt đất ảo tại một số địa phương trong thời gian vừa qua.

"Thực trạng này dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn", ông cho biết, một số dự án "ma" vừa bị phanh phui từng xuất hiện rất nhiều trên các trang tin rao vặt.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng đăng thông tin sai sự thật với mục đích chiêu dụ khách hàng mua đất ở một khu vực khác hoặc lừa đảo.

"Pháp luật đã quy định rõ, nếu ai thông tin sai sự thật, phát sinh hậu quả thì phải bị phạt tiền, nghiêm trọng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Riêng các các trang web đăng tin mua bán cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của thông tin đăng trên website của mình. Nhà nước cần có quy định nếu đơn vị đăng thông tin sai cần xử lý, xử phạt, thậm chí đóng trang web…", ông Châu kiến nghị.

Vấn nạn rao vặt, sơn vẽ, dán cột điện, lên tường nhà dân, biển báo giao thông, cây, cột điện… sẽ nhận thấy ngay và chính quyền địa phương có thể phát động người dân làm sạch, gỡ bỏ. Nhưng trên môi trường mạng, để xóa bỏ những thông tin dạng này là cả một vấn đề.

Với các thông tin quảng cáo rao vặt tại trang báo giấy rao vặt hay trang web sàn giao dịch thương mại điện tử thì rất khó kiểm soát nội dung thật giả, thông tin đầy đủ hay thiếu, ngay cả với tổ chức quản lý hoạt động của trang đó. Với bất động sản, trước đây thường có xu hướng thông qua các công ty môi giới bất động sản đăng có kiểm tra, xem xét trước, nên nguồn tin khá tin cậy. Khoảng 10 năm trở lại đây, các dạng cá nhân môi giới bất động sản tự do, nên thông tin càng trở nên khó sàng lọc. Hiện tượng cá nhân (hoặc ghi giả dưới tên doanh nghiệp) đi quảng cáo giới thiệu sản phẩm của dự án bất động sản đang sai về chủ thể quảng cáo và đối tượng (dự án không có thật, sửa thông tin dự án của doanh nghiệp khác) rất phức tạp.

Lo ngại nhất là có nhiều thông tin có nội dung giả tạo, không có thật, chỉ để gây sự chú ý, buộc người dân liên hệ với họ, nhẹ thì bị dẫn dắt sang câu chuyện khác, hướng tới mục đích bán sản phẩm khác, còn nặng có thể là lừa đảo, thậm chí là cướp tài sản. Với người dân, thông tin quảng cáo rao vặt khi tiếp cận phải đặt ra hai vấn đề: Thông tin có đúng không (đúng chủ thể, đúng đối tượng, đúng nội dung) và thông tin có còn tồn tại không (như nhà đã bán nhưng vẫn còn đăng tin nhiều kỳ do đã trả phí đăng). Những thông tin thật giả rất khó phân biệt, nên cần tìm đến các trang website uy tín, kiểm chứng thông tin đúng nguồn (chủ sở hữu, chủ đầu tư dự án, gặp nơi địa chỉ doanh nghiệp, số điện thoại máy bàn, có người thân đi cùng,….) để tránh rủi ro và mất thời gian với các ma trận thông tin giả.

Châu Phụng - Huỳnh Mạnh
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.