Mua sắm hoàn tiền: Cẩn thận mắc bẫy "đa cấp"

Đầu tư và Tiếp thị
11:15 AM 17/08/2020

Mua sắm hoàn tiền (Cashback) tuy hợp pháp nhưng một số doanh nghiệp đang cố tình làm cho người tiêu dùng hiểu sai mức chiết khấu, tưởng được hoàn tiền cao nhưng thực ra rất ít, có dấu hiệu "lừa đảo" người tiêu dùng.

Cashback biến tướng

Thời gian gần đây mô hình cashback- "mua sắm hoàn tiền" nổi lên như một xu hướng mua sắm thương mại điện hiện đại. Đây là hình thức người tiêu dùng được hoàn lại một phần tiền khi mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng.

Mua sắm hoàn tiền: Cẩn thận mắc bẫy "đa cấp" - Ảnh 1.

Hoàn tiền khi mua sắm thực tế khác xa quảng cáo

"Mua sắm hoàn tiền" vốn là mô hình thương mại điện tử (TMĐT) B2C kết nối doanh nghiệp (DN) với người tiêu dùng. Các DN, nhà cung cấp dịch vụ thực hiện hoàn tiền với mục đích muốn mở rộng hệ thống khách hàng, thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website, ứng dụng này thường có liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử như Silling, USDT, VNDC… Ngoài giao dịch mua sắm tiêu dùng, hệ thống còn cho phép các tài khoản người tham gia có thể đầu tư, mua bán và trao đổi các điểm số nội bộ trên hệ thống tương ứng với các loại tiền ảo tự lưu hành trên.

Tuy nhiên, Nhiều website, trang thương mại điện tử hứa hẹn khi khách mua hàng sẽ được hoàn tiền (cashback) vào ví từ 80 đến 100%, thậm chí cao hơn và nếu mời bạn bè cùng tham gia còn có hoa hồng hậu hĩnh.

Cụ thể, nếu khách đầu tiên mời được một người tải app từ link hoặc mã giới thiệu của mình, thì trong 12 tháng tiếp theo, bất kỳ khi nào người này mua hàng và nhận được hoàn tiền từ các đối tác cashback, người mời đều nhận lại đến 40% từ số tiền này.

Mặt khác, tùy thuộc vào thứ tự tham gia và người giới thiệu các tài khoản người tham gia trong hệ thống sẽ được kết nối, sắp xếp theo tầng, cấp, nhánh.

Lúc này, hệ thống thường đưa ra các hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn để được hưởng hoa hồng. Quyền lợi hấp dẫn theo tỷ lệ phần % số tiền của những người tham gia tuyến dưới, nhánh dưới nộp vào để tham gia và nâng cấp tài khoản trên hệ thống

Kinh doanh đa cấp trá hình

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thực tế, việc hoàn tiền với giá trị % cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ. Khi chuyển đổi ra tiền mặt thường chỉ từ 0,05% - 0,1%/ ngày, không có ý nghĩa cho việc "hoàn tiền" như quảng cáo.

Cục cho biết thêm, các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ. Những mô hình hoạt động của website, ứng dụng TMĐT có những biểu hiện như trên hoặc tương tự đều không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép.

Do đó để hạn chế những rủi ro tài chính và pháp lý, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư, phát triển hệ thống của những website và ứng dụng TMĐT có dấu hiệu nêu trên.

Trả lời trên báo Tiền Phong, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định: "Cashback là mô hình thương mại điện tử B2C (business to consumer) kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng. Đây là một hình thức hợp pháp và ở Mỹ đã có từ lâu, khi bạn mua hàng và muốn có thêm tiền mặt từ cashback thì siêu thị sẽ trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng và cashback bằng tiền mặt. Cashback tuy hợp pháp nhưng một số doanh nghiệp đang cố tình làm cho người tiêu dùng hiểu sai mức chiết khấu, tưởng được hoàn tiền cao nhưng thực ra rất ít. Đây là thủ đoạn lừa đảo người tiêu dùng".

Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, DN hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định 40/2018. Các tổ chức cá nhân có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự với mức phạt 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam. Tính đến 5-8, trên thị trường chỉ có 21 DN đang hoạt động theo quy định của Nghị định 40.


Thủy Phạm
Ý kiến của bạn