Mua sắm trực tuyến đang ngày càng lên ngôi

Tiêu dùng và Tiếp thị
09:43 PM 06/08/2020

Xu hướng mua sắm trực tuyến trong những năm gần đây làm thay đổi hầu hết thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp.

Báo cáo phân tích của Euromonitor từng nhận định, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình cũng ở mức khoảng 11% mỗi năm. Tuy nhiên, những chuyển động mới từ thị trường này cũng cho thấy, miếng bánh hàng chục triệu USD không phải ai cũng có thể chiếm phần.

Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2016 - 2020, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định lên tới 30%/năm. Đáng chú ý, trong năm nay, khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, người dân đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với mua sắm trực tiếp, tạo nên thói quen mua sắm mới.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết: "Năm 2020 đã thay đổi cách sống, cách chúng ta làm việc và mua sắm trực tuyến. Các Thương hiệu và Nhà bán hàng trong khu vực hiện đẩy mạnh việc ứng dụng số hóa trong mọi hoạt động, và TMĐT trở thành kênh bán hàng quan trọng giúp họ duy trì việc vận hành và phát triển hoạt động kinh doanh".

Trung bình, tổng thời gian mua sắm trên Shopee trong 1 tuần của người dùng Việt tăng hơn 25%. Nhóm sản phẩm được ưa chuộng phải kể đến như nước tẩy trang, điện thoại thông minh, sữa, tã giấy, nồi và chảo. Khoảng 2,5 triệu tin nhắn được gửi đi mỗi ngày khi các Thương hiệu, Nhà bán hàng và người tiêu dùng tương tác với nhau trong suốt quá trình mua sắm trên ứng dụng Shopee.

Mua sắm trực tuyến đang ngày càng lên ngôi - Ảnh 1.

Để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các giao dịch thương mại điện tử, ngày càng nhiều đơn vị kinh doanh chọn giải pháp tích hợp cổng thanh toán cho website của mình. Việc lựa chọn tích hợp cổng thanh toán không chỉ là giải pháp an toàn, hiệu quả mà còn giúp khẳng định uy tín của chính doanh nghiệp.

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều sự lựa chọn: Smartlink, Cổng thanh toán VNPAY, Banknet, Onepay (các cổng thanh toán kết nối trực tiếp với ngân hàng); Ngân Lượng, Bảo Kim, Payoo, 123pay, Sohapay,… (không kết nối trực tiếp với ngân hàng mà sử dụng cổng thanh toán qua bên thứ 3). Mỗi cổng có những ưu điểm và quy trình hoạt động riêng.

Việc lựa chọn được cổng thanh toán phù hợp với website của của mình, bạn cần cân nhắc các yếu tố sau:

Uy tín: Hãy chắc chắn rằng bạn lựa chọn cổng thanh toán được cung cấp bởi một công ty có uy tín lâu năm trên thị trường về lĩnh vực giải pháp thanh toán.

Mức phí tích hợp cổng thanh toán, phí duy trì hàng tháng, năm & phí giao dịch: Hãy chọn cổng thanh toán với mức phí tối ưu phù hợp với quy mô kinh doanh và ngân sách của bạn.

Kênh thanh toán: Phần lớn các cổng thanh toán đều chấp nhận thẻ/tài khoản của các ngân hàng nội địa qua hình thức kết nối trực tiếp với ngân hàng hoặc sử dụng cổng thanh toán trung gian khác. Một số cổng chấp nhận thẻ quốc tế, ví điện tử.

Quy trình thanh toán: Khách hàng sẽ hài lòng với một quy trình thanh toán đơn giản; tốc độ xử lý giao dịch và tỉ lệ giao dịch lỗi cũng là vấn đề mà bạn nên quan tâm.

Chất lượng các dịch vụ hỗ trợ mà các cổng thanh toán cung cấp (báo cáo trực tuyến, quy trình giải quyết giao dịch nghi vấn,…) sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian quản lý hoạt động kinh doanh.

Thu Hiền
Ý kiến của bạn