Mua sắm trực tuyến tăng 41,52% trong nửa đầu năm
Người Việt đã chi tới 7,6 tỷ USD (khoảng 202.300 tỷ đồng) cho việc mua sắm trên các sàn thương mại điện tử trong nửa đầu năm 2025.
Theo “Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2025 & Dự báo quý III/2025” do Nền tảng dữ liệu Metric.vn phát hành mới đây, trong 6 tháng đầu năm 2025, người tiêu dùng Việt Nam đã chi tổng cộng 202.300 tỷ đồng, tăng 41,52% so với cùng kỳ năm 2024, để mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Con số này phản ánh sức tiêu dùng mạnh mẽ bất chấp bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động.

Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu, sản lượng hàng hóa tiêu thụ cũng đạt gần 1.924 triệu sản phẩm, tăng 25,44% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số lượng nhà bán phát sinh doanh thu trong kỳ lại giảm còn 537.900, tương đương mức sụt giảm 6,25%. Theo các chuyên gia của Metric, sự sụt giảm này không đồng nghĩa với việc TMĐT kém hấp dẫn mà phản ánh quá trình thanh lọc tự nhiên của thị trường. Số lượng nhà bán sụt giảm cho thấy áp lực cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt.
Những nhà bán không đủ năng lực vận hành, thiếu chiến lược về sản phẩm và giá sẽ khó trụ lại. Trong khi đó, các nhà bán hàng có quy mô lớn, vốn mạnh và hiểu dữ liệu lại tận dụng tốt hơn giai đoạn này để tăng trưởng.
Những sàn TMĐT phổ biến được người Việt ưa thích bao gồm Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop.
Trong đó, TikTok Shop là cái tên nổi bật nhất khi đạt mức tăng trưởng doanh số ấn tượng, lên tới 69% so với cùng kỳ.
Shopee giữ vững vị thế số 1 về thị phần với mức tăng trưởng doanh số 16%, tiếp tục là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng ở mọi phân khúc, mọi ngành hàng.
Ngược lại, cả Lazada và Tiki đều ghi nhận mức tăng trưởng âm và sụt giảm về thị phần, cho thấy sự phân hóa rõ nét giữa các nền tảng TMĐT.
Theo khảo sát của Metric, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng nhóm sản phẩm có mức giá từ 100.000 - 200.000 đồng tiếp tục dẫn đầu về cả doanh số lẫn sản lượng. Điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn ưu tiên các sản phẩm có mức giá hợp lý, dễ tiếp cận trong bối cảnh chi tiêu cá nhân được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Sự phổ biến của phân khúc giá rẻ cũng cho thấy áp lực cạnh tranh giữa các nhà bán ngày càng lớn, đặc biệt là trong việc tối ưu chi phí sản xuất, logistics và quảng cáo để duy trì biên lợi nhuận.
Theo dự báo của Metric, quý III/2025, TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng với doanh số ước đạt 122,8 nghìn tỷ đồng và sản lượng khoảng 1,236 triệu sản phẩm, tăng lần lượt 21% và 27% so với quý II/2025.
Động lực chính đến từ các chương trình khuyến mại quy mô lớn diễn ra trong mùa hè, đặc biệt là các chiến dịch như “Mega Sale” và “Back to School”, vốn đã trở thành điểm nhấn thường niên trên các sàn TMĐT.
Tuy nhiên, yếu tố đáng chú ý hơn là xu hướng tiêu dùng online tiếp tục được duy trì ở mức cao, không chỉ ở nhóm người trẻ mà lan rộng sang các nhóm độ tuổi trung niên - nơi hành vi mua sắm đang trở nên thường xuyên và có chủ đích hơn.
Minh An (t/h)
Hoàn lưu sau bão số 3 cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã và đang để lại hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, vô cùng đau xót đối với nhân dân các xã miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An.