Mức nộp về ngân sách khi thu phí vào nội đô Hà Nội là 50.000 - 100.000 đồng?

Đầu tư và Tiếp thị
03:17 PM 30/10/2021

Trong Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông”, dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng.

Trong đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông", Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Hà Nội đã công bố các dự kiến về: đối tượng thu phí, mức thu phí, nộp ngân sách từ nguồn thu phí, hiệu quả của Đề án...

Đối tượng thu phí

Đối tượng thu phí: các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ các phương tiện được miễn phí: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe Công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa,...).

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện: xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất đinh.

Các đối tượng được giảm phí: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi,...).

Dự kiến mức thu

Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…) dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng.

Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố. Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng.

Hiệu quả của Đề án

Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo mục tiêu giảm ùn tắc giao thông khu vực thu phí. Qua nghiên cứu, đánh giá, khi thực hiện thu phí sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào khu vực thu phí, từ đó giúp giảm ùn tắc giao thông.

Thu Ngân sách:

Với mức phí thu 50.000 đồng: chỉ đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành, chưa có nguồn thu ngân sách.

Với mức phí thu 100.000 đồng: sẽ có nguồn thu về ngân sách hàng năm khoảng 300 tỷ; khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời sẽ giảm ô nhiễm môi trường tương ứng với lượng xe không vào khu vực thu phí.

Hiệu quả xã hội:

Giảm ô nhiễm môi trường

Điều chỉnh hành vi sử dụng phương tiện giao thông theo hướng tích cực.

Khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân, hướng tới xây dựng văn hóa giao thông.

Giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi của Đề án

Phí giảm ùn tắc giao thông là loại phí mới, tác động lên nhiều đối tượng tham gia giao thông trong và ngoài thành phố. Vì vậy đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có nhiều tác động bất lợi trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo giảm thiểu các tác động bất lợi cần làm tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc ban hành phí giảm ùn tắc giao thông là một loại phí mới cần thiết đã được xác định trong Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017.

Đặc biệt, đây là một biện pháp kinh tế cần thiết nhằm tác động thay đổi hành vi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Để tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, quá trình xây dựng dự án đầu tư và quản lý việc thu phí phải đảm bảo công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư và của nhân dân. Đảm bảo thiết thực hiệu quả, lấy mục đích giảm ùn tắc giao thông là chính, không nhắm mục đích tăng thu ngân sách.

Nguồn phí thu được, ngoài việc bù đắp chi phí đầu tư, chi phí quản lý hệ thống trạm theo dự án được duyệt, phần còn lại sẽ được bố trí đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, và phát triển vận tải hành khách công cộng.

Thứ ba, trong quá trình xem xét đề xuất chính sách miễn giảm phí cho các đối tượng thuộc chính sách miễn giảm, đảm bảo quyền lợi của các hộ dân trong phạm vi thu phí, và đảm bảo công bằng đối với các loại phương tiện tham gia giao thông.

Thứ tư, trong quá trình thực hiện việc thu phí, phải đảm bảo việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp phí, đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đối tượng cố tình không chịu nộp phí, trốn tránh nghĩa vụ nộp phí.

Hồng Nhuận
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.