Mục tiêu doanh thu thương mại điện tử năm 2025 đạt 35 tỷ USD
Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và 50% thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022. Trong 4 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình 16 - 30% mỗi năm, đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, đồng thời giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng giá trị bán lẻ trực tuyến tại khu vực ASEAN.
Amazon Global Selling thống kê, số lượng sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Thông qua nền tảng của Amazon, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận trực tuyến với hơn 2 tỷ người mỗi năm ở các thị trường khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và rất nhiều quốc gia khác như Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ…
Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.400 tỷ USD vào năm 2025.
Từ đó, trong nỗ lực triển khai những chiến lược và hoạt động thúc đẩy phát triển thương mại điện từ và kinh tế số, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và 50% thanh toán không dùng tiền mặt.
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua hệ thống thương mại điện tử xuyên biên giới” được tổ chức tại TP.HCM, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) nêu rõ, dưới sự dẫn dắt và phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, chúng ta đang chứng kiến một xã hội năng động, một thế giới luôn vận hành, cải tiến và đổi mới. Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng thần tốc, là một trong những ưu tiên hàng đầu, nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp hữu hiệu, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tệp khách hàng, tăng phạm vi tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.
Nhằm quản lý chặt chẽ và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong môi trường thương mại điện tử, hiện nay, Bộ Công Thương đã triển khai dịch vụ công mức độ 4 để quản lý doanh nghiệp thương mại điện tử tại Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử quốc gia địa chỉ online.gov.vn.
Theo đó, các doanh nghiệp, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cần đăng ký với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số qua cổng thông tin trực tuyến. Bên cạnh đó, hệ thống cũng tiếp nhận xử lý những phản ánh trực tuyến về vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử cũng như ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển thương mại quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, liên quan đến các vấn đề về nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử xanh, tuần hoàn bền vững,...
Minh An (t/h)Điều này phản ánh sự thành công trong việc phát triển hạ tầng số, mở rộng kết nối Internet và áp dụng các mô hình Chính phủ điện tử hiệu quả.