Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công khó hoàn thành
Theo Bộ Tài chính, hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công khá chậm vì thế mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn khó hoàn thành.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, giải ngân 11 tháng năm 2023 ước đạt 59,39% tổng kế hoạch năm 2023. Bên cạnh đó, giải ngân của các dự án thuộc kế hoạch các năm trước được kéo dài thực hiện trong năm 2023 cũng chỉ đạt 60,64%. Với tình hình thực hiện của các bộ, địa phương, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% rất khó có thể thực hiện được. Hiện còn 15 bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%; 2 địa phương dưới 35% trong tổng số 64/115 bộ và địa phương có kết quả giải ngân ước 11 tháng thấp hơn bình quân của cả nước...
Theo Bộ Tài chính, có 21/52 bộ, cơ quan trung ương và 30/63 địa phương chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 16.166,5 tỷ đồng, chiếm 2,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, riêng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa phân bổ là 6.197,358 tỷ đồng.
Nhiều nguyên nhân chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Bộ Tài chính nêu ra. Đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, một số dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023. Bên cạnh đó, một số dự án của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; Dự án hầm Hoàng Liên, tỉnh Lai Châu.
Bộ Tài chính cho biết, phần lớn kế hoạch vốn chưa phân bổ (khoảng 7.000 tỷ đồng) là do các bộ, ngành đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương (9.600 tỷ đồng của 17 bộ, cơ quan trung ương và 20 địa phương đề nghị hoàn trả). Đối với vốn kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn; số vốn 1.028 tỷ đồng mới mới được giao, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa kịp phân bổ.
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương với 5.145.783 triệu đồng do địa phương phân bổ phụ thuộc khả năng cân đối, phụ thuộc nguồn thu nên phân bổ vốn nhiều lần như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa; địa phương chưa phân bổ hết vốn từ nguồn thu sử dụng đất (Cà Mau), địa phương điều chỉnh giảm do giảm vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất (Bình Phước).
Thời gian để giải ngân nguồn lực lớn vốn đầu tư công còn lại rất ngắn. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương cần tiếp tục chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Minh An (t/h)Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.