Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định "không thao túng tiền tệ".
Theo báo cáo bán niên "Chính sách kinh tế vĩ mô và Ngoại hối của các Đối tác thương mại lớn của Mỹ" công bố ngày 14/11, Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ có hành vi thao túng tiền tệ trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến tháng 6/2024.
Cụ thể, không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ vướng phải cả 3 tiêu chí để bị đưa vào diện phải phân tích sâu hơn về các hoạt động tiền tệ.
Ba tiêu chí do Bộ Tài chính nước này đưa ra khi xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn gồm: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Cụ thể, hai tiêu chí đầu tiên gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ ba dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.
Nếu một nền kinh tế vượt ngưỡng hai trong ba tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa họ vào "danh sách giám sát". Quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo.
Trong kỳ báo cáo này, Việt Nam và 7 nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Đức, trong "danh sách giám sát" khi có hai tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Trên thực tế, thặng dư thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã mở rộng đáng kể trong 6 năm qua, chủ yếu do tăng trưởng trong thương mại hàng hóa, dẫn đầu là hàng điện tử và máy móc. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam và Mỹ tới cuối tháng 6/2024 là 113 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ ba có thặng dư với Mỹ và thâm hụt 1,6 tỷ USD về thương mại dịch vụ song phương với Mỹ.
Với tiêu chí cán cân tài khoản vãng lai (thể hiện chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu; chênh lệch khoản thu chi dịch vụ từ nước ngoài; thu nhập ròng từ người lao động, nhà đầu tư từ nguồn nước ngoài), thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt 5% vào cuối tháng 6/2024.
Tài khoản vãng lai tiếp tục ghi nhận các khoản thặng dư hàng quý lớn sau khi thâm hụt trong các năm 2021 và 2022 khi các hạn chế sản xuất liên quan đến Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập từ xuất khẩu, và giá hàng hóa cao khiến chi phí nhập khẩu tăng. Thặng dư hàng hóa tăng 8,6% trong giai đoạn báo cáo nhờ nhu cầu nước ngoài phục hồi đối với hàng hóa sản xuất. Thặng dư tài khoản vãng lai cũng được hỗ trợ nhờ kiều hối tăng, mặc dù thu nhập từ dịch vụ ròng giảm.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến hết tháng 6/2024 là khoảng 84,1 tỷ USD, chiếm 19% so với GDP. Doanh số bán ròng ngoại hối của Việt Nam từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 là 1,5% GDP, tương đương khoảng 6 tỷ USD.
Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ cũng đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam.
NHNN cũng cam kết hiện đại hóa và nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và khuôn khổ quản lý tỷ giá hối đoái, không sử dụng chính sách tỷ giá để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.
Huyền My (t/h)Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.