Năm 2020, kiều hối ước đạt gần 15,7 tỉ USD

Kinh doanh
05:57 PM 27/11/2020

Theo Ngân hàng thế giới, kiều hối về Việt Nam trong năm 2020 dự báo đạt hơn 15,68 tỉ USD, tương đương 5,8% GDP.

Năm 2020, kiều hối ước đạt gần 15,7 tỉ USD

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đến nay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Tính đến tháng 10 năm nay, đã có 362 dự án FDI được các kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD.

Năm 2020, kiều hối ước đạt gần 15,7 tỉ USD - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương và trở thành một trong những nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, nguồn kiều hối gửi về nước đã và đang góp phần không nhỏ cho sự phát triển của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong top 10 quốc gia có nguồn kiều hối gửi về nước nhiều nhất trên thế giới. Hàng năm nguồn kiều hối của kiều bào gửi về nước không ngừng gia tăng và ngày càng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, lượng kiều hối gửi về nước đạt 16,7 tỷ USD.

Sau nhiều năm liên tục tăng thì năm 2020 nguồn kiều hối được dự báo giảm. Theo Báo cáo Di cư và Kiều hối được WB công bố mới đây, lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm hơn 7% so với năm 2019 còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất.

Hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp của Việt kiều đang đầu tư trong nước với khoảng 3.000 dự án, tổng số vốn hơn 9 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Doanh nghiệp kiều bào thực sự trở thành một phần quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay, kiều hối thường tập trung ở khu vực tư nhân. Do đó, việc đầu tư vẫn thường ở tính chất tư nhân nhỏ lẻ như mua vàng hoặc bất động sản. Kiều hối còn hạn chế tham gia đầu tư vào các dự án phát triển quy mô, có tính chiến lược lâu dài.

Trả lời SGGP, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho biết để thu hút nguồn kiều hối về nước nhiều hơn và sử dụng kiều hối hiệu quả hơn, giao dịch tiện ích, an toàn hơn nữa thì Đảng và Nhà nước ta cần có chủ trương, chính sách, hành lang pháp lý đối với hệ thống ngân hàng trong việc liên kết, liên thông và đa dạng hóa hình thức nhận - chuyển nguồn kiều hối từ các quốc gia trên thế giới, đảm bảo luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường vai trò điều tiết nguồn kiều hối tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, chăm sóc sức khỏe... mang tính bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, thông qua các chính sách cụ thể, Nhà nước cần tạo điều kiện mạnh mẽ hơn, có chính sách ghi nhận, hỗ trợ doanh nghiệp kiều bào.

Mai Anh (TH)
Từ khóa: kiều hối FDI
Ý kiến của bạn
Hà Nội đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử Hà Nội đứng thứ 2 về chỉ số thương mại điện tử

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, đứng thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm.