Năm 2020, thu NSNN vượt xa số báo cáo Quốc hội
Với sự nỗ lực vượt khó của toàn bộ hệ thống, năm 2020 ngành Tài chính đã chủ động, sáng tạo, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ tài chính - NSNN đã đề ra, đặc biệt thu NSNN tăng gần 184 nghìn tỷ đồng, vượt xa số báo cáo Quốc hội.
Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020 được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN quan trọng, góp phần vào hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung của cả nước.
Cụ thể, thu NSNN giai đoạn 2016-2020 hoàn thành vượt kế hoạch, riêng trong năm 2020 thu NSNN cũng đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10,11/2020), với tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội; trong đó, thu nội địa đạt xấp xỉ 100% dự toán, thu từ dầu thô đạt 98,3% dự toán, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 93,8% dự toán. Tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt khoảng 19,1% GDP.
Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng. Cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84-85%), tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.
Để đạt được những kết quả đó, ngay từ đầu năm ngành Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan khẩn trương triển khai các giải pháp thu ngân sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu việc lợi dụng chính sách để trục lợi. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm.
Bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, đã giúp nước ta cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới và khu vực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính, thu chi ngân sách Nhà nước năm 2020 trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến động và diễn biến khó lường, góp phần tích cực cùng Chính phủ thực hiện thành công “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.
Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là ví dụ thành công đặc biệt trong phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. So với năm 2019, giá trị thương hiệu của Việt Nam nay đã tăng 29% đạt 319 tỷ USD, nhờ đó Việt Nam đã lên 9 bậc, đứng vị trí thứ 33 trong 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới trong năm 2020.
Theo Thủ tướng, ngành Tài chính đã có đóng góp toàn diện, xuất sắc không chỉ trong năm 2020 mà cả nhiệm kỳ. Nếu như nợ công đầu nhiệm kỳ là 64,55% thì hiện là 55,8%.
Trong năm 2021, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”. Đồng thời, toàn ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tài chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, cơ cấu NSNN, phát triển ngân sách quốc gia an toàn, bền vững.
Ngoài nhiệm vụ thu, chi, quản lý NSNN, ngành Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực đất nước. Chủ động phối hợp các cấp, địa phương thực hiện tốt hơn sứ mệnh là bảo đảm huyết mạch nền kinh tế thông suốt, an toàn, tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao 9 nhiệm vụ trọng tâm cho ngành Tài chính. Trong đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công Thương điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách.
Để môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, ngành Tài chính phải đi đầu về kinh tế số, tài chính số; làm tốt quản lý thu NSNN, thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, tăng cường chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, phấn đấu thu NSNN tăng tối thiểu 3% so với dự toán; điều hành chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả.
Thương HuyềnCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.