Năm 2021: Cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng

Đầu tư và Tiếp thị
03:53 PM 02/02/2021

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là điểm sáng châu Á về sự ổn định trong môi trường kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã làm bộc lộ những rủi ro khi cung ứng các sản phẩm, thiết bị thiết yếu bị gián đoạn, không kịp thời do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu cũng như nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn. Bên cạnh việc tối ưu hóa sản xuất và chi phí, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng còn nhằm để phân tán và giảm thiểu rủi ro. 

Năm 2021: Dịch chuyển chuỗi cung ứng có thể chậm - Ảnh 1.

Những ngành có khả năng dịch chuyển lớn nhất là dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, máy móc thiết bị cơ khí và dịch vụ logistics.

Trong báo cáo tựa đề “Ngôi sao đang lên: Vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng đang thay đổi tại châu Á”, Economist Intelligence Unit (EIU) cung cấp đánh giá chi tiết về những điểm mạnh và điểm yếu trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm thị trường lao động, các chính sách khuyến khích đầu tư và các mối quan hệ thương mại của Việt Nam.

Trong lĩnh vực lao động, EIU cho rằng tiền lương chi trả cho lao động tại Việt Nam sẽ không tăng nhanh tới mức gây tổn hai sự cạnh tranh của Việt Nam, tuy nhiên thiếu lao động kỹ năng sẽ là một hạn chế. Trong lĩnh vực đầu tư, các nhà sản xuất công nghệ cao sẽ tiếp tục được hưởng những ưu đãi trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại và duy trì quan hệ tốt với các đối tác thương mại, giúp giảm chi phí giao thương của các doanh nghiệp.

Theo thông cáo báo chí của EIU, ông John Marrett, chuyên gia phân tích cao cấp của EIU đánh giá hiện có nhiều sự chú ý về Việt Nam như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhưng cũng ý kiến cho rằng Việt Nam đang tiến nhanh lên chuỗi giá trị, gần đạt đến giới hạn năng lực trong việc phát triển các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh có những cách thức mà môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ phát triển trong những năm tới và đó là điều quan trọng mà các doanh nghiệp cần xem xét.

Cũng theo theo chuyên gia John Marrett, những điểm mạnh chính của môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước trong khu vực là chế độ thuế, chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các biện pháp kiểm soát ngoại thương và hối đoái. Những khía cạnh này được củng cố bởi sự ổn định chính trị trong nước cao hơn so với hầu hết các nước Đông Nam Á khác có mức độ phát triển kinh tế tương tự Việt Nam.

Đặc biệt hơn, trong năm 2020 với việc thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa khống chế được dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã nâng cao uy tín của Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn, có năng lực quản trị, cũng như khả năng kháng chịu, thích ứng tương đối tốt trước những biến động của thế giới. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực còn chưa khống chế được dịch bệnh COVID-19 (Ấn Độ, Indonesia, Philippines…) trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.

Nếu phát huy và khai thác tối đa những lợi thế trên, Việt Nam có cơ hội lớn với vị thế thuận lợi, đa dạng hóa, đa phương hóa việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ thu hút các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ có nhu cầu dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng, nhờ đó thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Tuy nhiên, một hạn chế đối với các nhà đầu tư tìm cách tiếp thị hàng hóa và dịch vụ là cơ sở hạ tầng còn phân tán của Việt Nam, với kết nối giao thông giữa miền Bắc và miền Nam còn hạn chế. 

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, các hoạt động sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là gia công, lắp ráp. Một số ít ngành cung cấp đầu vào có năng suất lao động cao và xuất khẩu sang nhiều thị trường nhưng chủ yếu do doanh nghiệp FDI sản xuất.

Đơn cử, ngành dệt may, da giày đang chủ yếu gia công và nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Năng lực cung ứng của các doanh nghiệp thượng nguồn còn hạn chế trừ một số ngành sản xuất plastic và cao su tổng hợp có năng suất cao hơn.

Dù vậy, với hàng loạt ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, khả năng tiếp cận thị trường từ các FTAs,  kết hợp với chi phí tiền lương cạnh tranh, sẽ đảm bảo Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất và những người đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á.

Trong năm 2021, để thích ứng với những biến động của thị trường trong nước và thế giới, 98% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đã có kế hoạch ứng dụng số hóa trong chuỗi cung ứng để vượt bão Covid-19. 

Việc thực hiện số hóa chuỗi cung ứng không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua những thách thức mà còn bắt kịp với xu hướng tiêu dùng đang thay đổi. Các nhà sản xuất vừa có thể đảm bảo hoạt động trong tương lai, vừa thúc đẩy năng suất, đồng thời đảm bảo an toàn cho nhân viên. Với việc giảm thiểu sai sót và rủi ro, nâng cao hiệu quả trên toàn bộ chuỗi, số hóa còn giúp DN và NSX tiết kiệm chi phí trong thời gian dài.

Huyền My
Ý kiến của bạn