Năm 2021, công tác điều hành giá sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?
Theo các chuyên gia, công tác kiểm soát lạm phát và điều hành giá trong năm 2021 sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố.
Liên quan đến công tác điều hành giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định trên báo chí rằng, nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu sẽ diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, có yếu tố giảm, nhưng diễn biến rất bất thường khiến cơ quan quản lý không thể dự báo hết được.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, khống chế, vắc xin COVID-19 được tiêm chủng trên diện rộng, nhiều hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục thì giá nhiều loại nhiên nguyên vật liệu trên thị trường có thể sẽ tăng trở lại.
Cụ thể như với nhóm các mặt hàng thiết yếu, đặt biệt là mặt hàng thịt lợn sẽ biến động giá nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp bình ổn kịp thời, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Ngoài ra, các mặt hàng tăng giá cũng tập trung vào sản phẩm nông nghiệp và các kim loại cơ bản do nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh thời tiết bất lợi và nhu cầu về kim loại lớn hơn từ Trung Quốc khi các biện pháp kích thích kinh tế triển khai tại Trung Quốc.
Ngoài ra, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cũng như tác động tới thị trường. Bên cạnh đó, công tác điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình như dịch vụ công (y tế, giáo dục) cũng là áp lực đối với công tác điều hành giá năm 2021.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch. Đặc biệt, tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn, do đó mặt bằng giá cả mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động.
Bên cạnh đó, tâm lý tiết kiệm chi tiêu bởi thu nhập còn hạn chế của người dân dẫn đến sức mua còn yếu, cùng với các biện pháp điều hành thị trường nên giá cả vẫn tương đối ổn định trong thời gian qua nên mặt bằng giá hàng hóa nhìn chung ít có khả năng tăng đột biến trong thời gian tới...
Những vấn đề này sẽ tác động đến tình hình trong nước, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021 cần thực hiện một cách chủ động, thận trọng và linh hoạt, trong đó cần phát huy các bài học kinh nghiệm trong điều hành giá năm 2020.
Trước đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã xây dựng và lên kịch bản điều hành giá trong năm 2021, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đề ra. Với kinh nghiệm điều hành kiểm soát lạm phát thành công 5 năm liên tiếp sẽ là tiền đề để Chính phủ tiếp tục kiểm soát lạm phát năm 2021 và các năm tiếp theo.
Hoài Thương (tổng hợp)Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.