Năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế
Năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2015. Cụ thể, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%.
Sáng 12/1, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Nội vụ đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2021.
Biên chế công chức giảm 10,01%
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 7.4.2015.
Tính đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.
Cũng trong năm 2021, kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và tương đương có 1.173 sở, giảm 7 tổ chức; tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở có 8.122, giảm 1.648 tổ chức (giảm 1.440 phòng thuộc sở, giảm 208 chi cục thuộc sở); cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 8.490 phòng, giảm 451 phòng; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015.
Bộ Nội vụ đã chủ động, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp theo yêu cầu của Quốc hội.
Đề xuất bỏ nhiều chứng chỉ
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; rà soát xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện phân cấp triệt để trong tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đáng chú ý là bộ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Qua đó, vừa giảm gánh nặng văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức, vừa đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, qua đó tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, biểu dương, suy tôn, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, tạo động lực cho sự phát triển…
HGM (T/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.