Năm 2021, ngành dệt may hướng đến mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD

Đầu tư và Tiếp thị
10:39 AM 14/03/2021

Với những tín hiệu khả quan trong 2 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đủ tự tin phấn đấu hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD.

Theo thống kê mới đây từ Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 5,954 tỷ USD, nhập khẩu 3,167 tỷ USD. Như vậy, con số xuất siêu toàn ngành trong thời gian này đã đạt 3,299 tỷ USD, tỷ lệ giá trị gia tăng của ngành đạt khá cao với 55,4%.

Đơn hàng dần quay trở lại với các doanh nghiệp dệt may đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu của ngành khả quan hơn. Từ đầu năm đến nay, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 6, một số doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8. Tiêu thụ chính vẫn là những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật.

Năm 2021, ngành dệt may lạc quan phục hồi mạnh - Ảnh 1.

Các đơn hàng dệt may đã dần quay trở lại. Ảnh: Nhân Dân

Các doanh nghiệp may mặc Việt Nam lạc quan cuối năm nay sẽ bớt khó khăn và phục hồi dần, đến năm 2022 sẽ có nhiều tiến triển rõ rệt. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019 nhưng tín hiệu từ thị trường trong quý I/2021 cho thấy dự báo hướng phấn đấu của ngành trong năm nay là có cơ sở thực hiện được.

Sự hồi phục bước đầu của ngành được đánh giá là do sau một năm chung sống với đại dịch, các doanh nghiệp đã tìm ra những hướng đi phù hợp. Việc các nước liên tục đưa vaccine phòng COVID-19 vào tiêm cho người dân cũng đã tăng niềm tin, góp phần đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng dệt may tăng trở lại.

Năm 2021, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD. Ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn phức tạp. Đồng thời, các FTA còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu.

Tuy nhiên, ngành vẫn cần tính tới các giải pháp dài hơi, không chỉ chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát mà còn là nền tảng cho ngành phát triển vững. Cụ thể, cần phải định ra được chiến lược phát triển 2021-2025. Hoạch định rõ các giải pháp về công nghệ, trong đó đưa ra tầm nhìn cho ngành công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm, tập trung vào tự động hóa để tạo ra nền tảng theo xu thế thay đổi nhanh của thị trường sau COVID-19.

Định hướng một chương trình xanh hóa, thông qua tiết kiệm năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nước và phát triển bền vững cho nhà máy và người lao động. Phát triển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, phát triển các thương hiệu dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới. Xây dựng chiến lược kết nối, tạo nền tảng đưa thương hiệu dệt may Việt Nam vào chuỗi bán lẻ toàn cầu.

Năm 2021, ngành dệt may lạc quan phục hồi mạnh - Ảnh 2.

Ngành dệt may ngày càng được cải thiện nguồn cung nguyên liệu từ trong nước. Ảnh: Người Lao Động

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tập trung sản xuất kinh doanh, bảo đảm năng suất, chất lượng trong giai đoạn bản lề. Phấn đấu đạt ngưỡng năm 2019 để phục hồi về tài chính, đơn hàng và vị trí mới của ngành trong chuỗi cung ứng, mạnh mẽ hơn so với vị trí chúng ta đã có từ trước.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ với báo chí  cũng cho rằng dù các đơn hàng dệt may đã quay trở lại, song để đạt đỉnh nhu cầu như những năm trước đại dịch là chưa thể. Do đó, các doanh nghiệp dệt may rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Theo đó, ngoài giảm thuế, lùi thời gian nộp tiền đất cho doanh nghiệp, cần đổi mới thêm các chính sách, luật đất đai. Nhiều nhóm đầu tư rút từ Trung Quốc hay nước khác vào Việt Nam rất cần đất đai, đầu tư thêm công nghệ... cần tạo chính sách thuận lợi cho họ để tạo điều kiện xây dựng những chuỗi liên kết dệt may khép kín. Từ đó, tăng năng lực cho doanh nghiệp trong nước, tăng lượng và giá trị xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp dệt may.

Dương Dương
Ý kiến của bạn