Năm 2021: Rủi ro nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn hiện hữu

Ngân hàng
01:09 PM 20/01/2021

Mặc dù các ngân hàng (NH) công bố những kết quả khả quan về tăng trưởng lợi nhuận năm 2020, tuy nhiên theo các chuyên gia, năm 2021 nợ xấu vẫn là mối lo lớn của các ngân hàng, bởi rủi ro từ nợ xấu ngày một lớn.

Năm 2020, bất chấp những khó khăn do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều NH ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm liền trước hoặc vượt kế hoạch đề ra. 

Tuy vậy, một số phân tích cho rằng, trừ các ngân hàng có tài sản tương đối bền vững, an toàn, một số ngân hàng vẫn báo lãi lớn là do chưa mạnh tay trích lập dự phòng. Rủi ro nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn hiện hữu và có thể bộc lộ rõ hơn trong năm 2021.

Năm 2021: Các ngân hàng “nặng gánh” với vấn đề nợ xấu - Ảnh 1.

Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2021. (Ảnh minh họa: KT)

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống NH ở vào mức khoảng 3% (so với mức 1,89% cuối năm 2019) và nợ xấu gộp khoảng 5% cuối năm 2020 (so với mức 4,65% cuối năm 2019).

Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của 27 ngân hàng của Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này tại ngày 30/9/2020 là hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm, với nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 70%.

Trong số 27 ngân hàng, chỉ có 4 ngân hàng có nợ xấu nội bảng giảm là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Trong số đó, Techcombank có nợ xấu giảm mạnh nhất, từ 3.078 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1.384 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020 (tức giảm tới hơn một nửa). Hơn nữa, Techcombank từ ngân hàng đứng thứ 8 về số nợ xấu nội bảng đã xuống thứ 21 trong 27 ngân hàng và cũng là ngân hàng có ít nợ xấu nhất trong những ngân hàng lớn.

Ngoài ra, 3 ngân hàng còn lại có nợ xấu giảm nhưng không quá đột biến gồm SeABank giảm xuống 2.184 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống 2,23%); NCB giảm 1,3% xuống 720 tỷ đồng; PGBank giảm 4,5% xuống 715 tỷ đồng.

Năm 2021: Các ngân hàng “nặng gánh” với vấn đề nợ xấu - Ảnh 2.

Nợ xấu sẽ là thách thức đối với những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng đầy đủ

Trao đổi với báo Thời báo Tài chính Việt Nam, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm 2021 khối nợ xấu này còn có thể tăng hơn nữa, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5% - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5,5 – 6% đến cuối năm 2021.

“Năm nay, có thể kinh tế sẽ tốt lên, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn sẽ giảm rủi ro về nợ xấu, nhưng số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng đang tương đối nhiều. Lượng nợ đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN vào khoảng gần 335.000 tỷ đồng. Nếu chia cho tổng dư nợ hiện tại là khoảng 8,5 triệu tỷ đồng, nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là 4%. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng năm 2021”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, trước thực tế khối nợ xấu tiếp tục xu hướng “phình to” trong năm 2021, để kiểm soát rủi ro nợ xấu, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các NH cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu. 

Đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra các NH phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các NH xử lý những rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay, NH nào có tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn.

Mặc dù các ngân hàng vẫn đang được thực hiện quy định cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ nhưng để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa.

Nếu sau thời điểm Thông tư 01 hết hiệu lực, khách hàng vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng rất mạnh. Nếu những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ xoay sở không kịp.

Thương Huyền t/h
Ý kiến của bạn