Năm 2021, tai nạn giao thông tiếp tục giảm mạnh cả 3 tiêu chí

Sự kiện
11:55 AM 06/01/2022

Sáng 6/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, ATGT năm 2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức ngay sau khi Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức lễ phát động ra quân Năm ATGT 2022 và cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân năm 2022.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 14/12/2021, toàn quốc xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. 

Năm 2021, tai nạn giao thông tiếp tục giảm mạnh cả 3 tiêu chí  - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị. ẢNH: Viết Chung

So với cùng kỳ năm 2020, tai nạn giao thông giảm 3.496 vụ (23,32%), số người chết giảm 1.068 người (15,55%), số người bị thương giảm 3.143 người (28,16%). Ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính trước khi đợt dịch COVID-19 bùng phát cơ bản được kiểm soát.

Có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7 địa phương giảm trên 30% số người chết là: An Giang, Sơn La, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long. Đặc biệt An Giang và Sơn La giảm trên 40% số người chết do TNGT.

Bên cạnh đó, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020 là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình, trong đó, có 2 tỉnh có số người chết tăng trên 10% trở lên là Kiên Giang và Thái Bình.

Đánh giá về những chỉ số tích cực trên, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, có nguyên nhân khách quan là do tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 diễn biến phức tạp nên từ cuối tháng 6/2021 ở nhiều địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg. 

Bên cạnh đó, một số địa phương tuy không thực hiện giãn cách xã hội nhưng ban hành các quy định chặt chẽ về phòng, chống dịch đối với người và phương tiện ra/vào địa bàn, dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm rất sâu (nhất là hoạt động giao thông trên các tuyến liên tỉnh và giao thông nội bộ của các địa phương áp dụng Chỉ thị 15, 16), dẫn đến hoạt động giao thông bị đình trệ, số lượng và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm nhiều so với trước đó, do vậy góp phần vào việc kéo giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, TNGT vẫn ở mức cao; vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Tình trạng xe chở quá tải trọng vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, gây bất bình trong nhân dân… vì thế Chính phủ phải ban hành một số văn bản có liên quan trực tiếp đến công tác trật tự ATGT để triển khai ngay từ đầu năm 2022 như Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng tăng mạnh mức xử phạt, cũng như tăng thẩm quyền xử phạt cho các lực lượng chức năng; tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, bảo đảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa vi phạm là chính.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, Hội nghị cần tập trung đóng góp ý kiến làm rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực cả trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2022 (trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân), cũng như những năm tiếp theo.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.