Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,8%

Tài chính - Đầu tư
11:58 AM 22/12/2020

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nhận định, Việt Nam đã đạt được thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng Covid-19.

Theo "Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 21/12, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Theo nhận định của WB, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt khủng hoảng Covid-19. Số ca nhiễm và tử vong chỉ ở mức tối thiểu, đồng thời chỉ có một vài ca lây nhiễm mới trong cộng đồng kể từ giữa tháng 9. Cho dù phải thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tăng trưởng 2,8% trong năm 2020.

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,8% - Ảnh 1.

WB cho rằng Việt Nam có được kết quả như vậy là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không chỉ kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp quyết liệt, sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giải ngân đầu tư công đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nhận định, Việt Nam đã đạt được thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng Covid-19.

Khu vực kinh tế đối ngoại, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua, đạt kết quả rất tốt kể từ khi khủng hoảng do đại dịch Covid-19 bắt đầu. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa đạt thặng dư lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm, nguồn kiều hối bị thu hẹp.

Báo cáo cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư và đang dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được WB đánh giá là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.

Dự báo này dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vaccine Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả, kết quả quản lý một số rủi ro có thể phát sinh ở các mặt tài khóa, tài chính và xã hội.

Theo dự báo của WB, ngành Nông nghiệp dự kiến sẽ phục hồi sau tác động của dịch cúm heo gây ảnh hưởng trong quý I năm 2020 và những thiệt hại trong mùa bão năm 2020. Ngành dịch vụ tiếp tục khôi phục nhờ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội theo dự báo và nhờ sức cầu tăng lên ở tầng lớp trung lưu trong nước. Các biện pháp cấm du khách nước ngoài sẽ từng bước được gỡ bỏ và ngành du lịch sẽ từng bước phục hồi.

Các hoạt động chế tạo và chế biến sẽ khởi sắc hơn nữa khi nền kinh tế Hoa Kỳ và EU khôi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Quá trình hồi phục còn được tăng cường nhờ các hiệp định khu vực mới được thông qua và sự cộng hưởng dự kiến được hình thành giữa các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù vậy, quy mô và thời gian kéo dài của đại dịch cũng như những tác động kinh tế của nó khó có thể dự báo, do đó không thể bỏ qua một kịch bản tăng trưởng thấp hơn hơn. 

Trong trường hợp thế giới và có thể cả Việt Nam, phải hứng chịu những làn sóng Covid-19 mới, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ở mức thấp hơn, và việc đưa nền kinh tế quay trở lại xu hướng tăng trưởng và củng cố tài khóa như trước Covid-19 cũng diễn ra chậm hơn dự kiến.

Trong kịch bản cơ sở nêu trên, khi sự phục hồi kinh tế được củng cố, các chính sách tài khóa và tiền tệ được ban hành nhằm ứng phó với khủng hoảng dự kiến sẽ được từng bước gỡ bỏ. Chính sách tiền tệ sẽ lại quay về với cách tiếp cận an toàn để cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của khu vực tài chính.

Cũng theo WB, tuy củng cố tài khóa là bước đi cần thiết để duy trì nợ công ở mức bền vững, nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn cần cải thiện kết quả thu ngân sách để đảm bảo nguồn thu cho nhu cầu chi dự kiến tăng lên về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội có chất lượng mà đất nước sẽ cần đến trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, các mục tiêu tài khóa tổng thể có thể được hỗ trợ thông qua nâng cao hiệu suất chi tiêu ngân sách nhà nước ở cả trung ương, địa phương và cơ chế phân cấp quản lý ngân sách nhà nước sửa đổi.

Đồng thời, hợp tác công - tư cũng nên là cách giúp thu hút vốn và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư, thông qua chuyển giao công nghệ và cải thiện khung quản trị.

Ngoài ra, báo cáo của WB còn cho rằng Việt Nam có thể đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao trước năm 2045 hay không không chỉ dựa vào khả năng Việt Nam vượt qua khủng hoảng Covid-19 thành công mà còn dựa vào sự hiệu quả trong quản lý các nguồn tài nguyên và rủi ro khí hậu. Rốt cuộc, mục tiêu phát triển kinh tế không chỉ để làm ra thêm của cải mà còn là không phá hủy những gì đang có.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn