Năm 2021: Tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10 - 15% là phù hợp

Ngân hàng
01:21 PM 29/01/2021

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi mạnh trở lại trong năm 2021, bởi vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng nên được điều hành linh hoạt để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế, song lại là chất xúc tác khiến kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn. Trong lĩnh vực ngân hàng, từ đầu năm đến nay, dịch vụ ngân hàng số phát triển rất mạnh, thanh toán qua mobile banking tăng tới 180%, số lượng thanh toán qua thẻ ngân hàng tăng gần 30%...

Bởi vậy, chia sẻ trên Thời báo Kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh cũng khẳng định, mục tiêu ban đầu đề ra là tín dụng tăng khoảng 12%, nhưng vẫn có điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.

Chuyên gia: "Tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10–15% là phù hợp" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thông thường đầu năm, tín dụng giảm, như năm ngoái giảm cả tháng 1, tháng 2 và tới tháng 3 mới tăng. Tuy nhiên, năm nay 14 ngày đầu năm 2021 giảm 0,6%, đến ngày 20/01 chỉ còn giảm 0,02% và hiện tại tăng trưởng tín dụng có thể đã dương trở lại. Do đó, tăng trưởng tín dụng cũng có thể được điều chỉnh tăng lên 13-14%.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trả lời phỏng vấn với Báo Đầu Tư cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6% cho năm 2021 là hơi khiêm tốn, mục tiêu 6,5-7% là hợp lý hơn. dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp, chưa thấy rõ đỉnh dịch, song có 3 lý do để lạc quan: dù dịch bệnh chưa được khống chế, nhưng kinh tế thế giới vẫn đang dần phục hồi; GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng dương, song mức tăng tương đối thấp, số liệu sẽ dễ được đẩy lên cao; kinh tế Việt Nam đang hồi phục theo hình chữ V.

Với những yếu tố trên, cộng thêm động lực tăng trưởng từ kinh tế số, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, khả năng năm sau GDP có thể tăng 6,5-7%. "Để thực hiện mục tiêu này, năm 2021, tín dụng tăng khoảng 10-15% là hợp lý", TS. Lực nhận định.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có hiệu quả. NHNN chú trọng định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Mới đây, trên thị trường xuất hiện thông tin gây chú ý là một số ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng từ 3 - 4% so với cuối năm 2020 dành riêng cho quý I/2021. Thông tin này khiến nhiều người nghĩ rằng NHNN đã thay đổi cách thức cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Theo đó, tín dụng sẽ được cấp linh hoạt theo các quý, nghĩa là NHNN sẽ căn cứ vào tình hình phát triển của nền kinh tế, vào “sức khoẻ” của từng ngân hàng để điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.

Trước thông tin này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng xác nhận với báo chí và cho biết thêm năm nay NHNN có 2 thay đổi lớn trong điều hành tín dụng. 

Thứ nhất, NHNN sẽ thực hiện tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng quý đầu năm để các ngân hàng bám sát triển khai, trong khi chưa tính toán xong mục tiêu cả năm 2021. Tức là, NHNN vẫn thực hiện cách thức thông thường, cấp hạn mức tín dụng theo năm cho các ngân hàng thương mại.

Chuyên gia: "Tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10–15% là phù hợp" - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, những năm trước, NHNN sẽ sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 31/12 năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau. Tuy nhiên, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ lấy theo số tăng trưởng bình quân, để sát với thực tế hơn.

Nhìn lại năm 2020 vừa qua, tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng tăng trưởng cao trên 20% như Techcombank tăng 23,3%, thì cũng có những ngân hàng tăng chưa đến 10% như VietBank tăng 9,5%, PGBank tăng 8,3%, Saigonbank tăng 6,1%...

Do đó, theo các chuyên gia, việc không "chốt cứng" mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để có sự phân tích, đánh giá cẩn trọng là cần thiết, là linh hoạt phù hợp trong điều hành và không ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng, nhằm hướng đến mục tiêu đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong năm nay mà không ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát.

Dương Nhung
Ý kiến của bạn