Năm 2021, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia lớn nhất trong các năm gần đây
Tổng cục Dự trữ cho biết từ đầu năm đến nay đã thực hiện xuất cấp 253.303 tấn gạo dự trữ với giá trị tương đương hơn 2.900 tỷ đồng, mức chi lớn nhất nhiều năm trở lại đây.
Đây là thông tin được ông Phạm Việt Hà, Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ - Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết tại cuộc Họp báo chuyên đề về một số nội dung liên quan đến hoạt động xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương, do Tổng cục DTNN tổ chức chiều 23/12/2021.
Ông Phạm Việt Hà cho hay, trong tổng số 253.303 tấn gạo đã xuất cấp cho các địa phương, các Cục DTNN khu vực đã xuất cấp hỗ trợ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 9.083 tấn gạo; hỗ trợ Dự án trồng rừng cho các tỉnh (Thanh Hóa, Bắc Kạn, Bắc Giang) 6.753 tấn gạo; hỗ trợ thiên tai, hạn hán là 840 tấn gạo; hỗ trợ học sinh 71.313 tấn gạo...
Cùng với việc xuất cấp trên, Tổng cục DTNN đã yêu cầu các Cục DTNN khu vực xuất cấp 141.971 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo bà Nguyễn Thị Phố Giang, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, năm nay là năm đầu tiên Tổng cục Dự trữ phải xuất cấp gạo hỗ trợ cho TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long - địa điểm là vựa lúa của cả nước.
Nguyên nhân do trong năm 2021, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan trên diện rộng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) với mức độ lây lan rất nhanh tại khu vực các tỉnh Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, tinh thần của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo Quyết định số 1415 ngày 20/8 của Thủ tướng, Tổng cục Dự trữ phải xuất cấp hơn 130.175 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (chủ yếu là các tỉnh, thành phía Nam).
Ở thời điểm nhận quyết định, bà Giang cho biết nếu tính tổng nguồn lực của toàn Tổng cục thì có thể đáp ứng đủ năng lực cung cấp. Tuy nhiên, do quyết định mang tính cấp thiết và phải cung cấp kịp thời cho người dân phòng, chống dịch, Tổng cục Dự trữ đã giao các Cục Dự trữ khu vực xuất cấp trước 54.762 tấn gạo cho 24 tỉnh, thành phố khu vực này.
Với số lượng còn lại, Tổng cục đã báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng đề xuất mua thêm 75.413 tấn để cấp cho 9 tỉnh miền Nam trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu.
Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Tổng cục Dự trữ đã ký hợp đồng với 3 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam để mua hơn 75.000 tấn gạo này theo quy định.
Về vấn đề này, ông Phạm Việt Hà cho biết khi dịch COVID-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, các địa phương đã đề xuất được cấp vật tư thiết bị và lương thực từ kho dự trữ quốc gia nhưng số lượng lớn hơn nhiều so với nguồn lực tại các Cục Dự trữ khu vực.
“Khi đó, các tỉnh đồng loạt xin cấp vật tư, lương thực trong thời gian ngắn. Ngay cả TP.HCM chưa bao giờ phải xin xuất cấp gạo cũng đề xuất xin cấp tới 240.000 tấn gạo chỉ trong vài ngày”, ông Hà nói. Vì vậy, Tổng cục Dự trữ đã phải đề xuất và tiến hành mua hơn 75.000 tấn gạo từ 3 doanh nghiệp, mỗi đơn vị cung cấp hơn 25.000 tấn với yêu cầu bàn giao trong vòng 15 ngày.
Vị lãnh đạo Vụ quản lý hàng dự trữ cho biết cũng nhờ sự chung tay của nhiều doanh nghiệp lớn nên Tổng cục có thể mua được hơn 75.000 tấn gạo theo kế hoạch này trong thời gian quy định. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN và các đơn vị trong hệ thống đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh và các đơn vị được UBND các tỉnh giao nhiệm vụ đầu mối tiếp nhận hàng DTQG hỗ trợ, bảo đảm mục tiêu đưa hàng DTQG nhanh nhất đến tay người dân để đảm bảo mục tiêu DTQG theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
HM (T/h)Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.