Năm 2022, Hà Nội đón 18,7 triệu lượt du khách
Chiều ngày 5/1, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch TP Hà Nội 2023.
Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, trong năm 2022 tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt khách, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Khách du lịch nội địa đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2,15 lần so với kế hoạch và 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021.
Về hoạt động lưu trú, trong năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt khoảng 41,2%, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2022, du lịch Hà Nội liên tục được các tổ chức du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm những thành phố, điểm đến hấp đẫn nhất thế giới.
Năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2023 đạt 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022. Cụ thể khách quốc tế đạt 3 triệu lượt khách, tăng 100% so với năm 2022, 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 45%, tăng 5 % so năm 2022.
Để đạt mục tiêu trên, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, trong năm 2023, ngành du lịch Thủ đô tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề. Trong đó, chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch từ trung tâm TP đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì...
Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống; triển khai các loại hình du lịch mới như: du lịch thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, sông Hồng... Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, lễ hội quy mô lớn của quốc gia và quốc tế.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Du lịch Hà Nội trong thời gian tới cần rà soát quy hoạch du lịch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ. Nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch mới theo hướng gắn với thế mạnh của từng địa phương như: du lịch chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.
"Sở Du lịch Hà Nội cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh các điểm đến, sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, trong nước và quốc tế. Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm mới, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và quản lý du lịch", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Quang LộcTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.