Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc đạt 1,13 tỷ USD
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc của Việt Nam trong năm 2022 sang các thị trường lớn đều tăng, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước đạt 1,13 tỷ USD, giảm nhẹ 0,05% so với năm 2021.
Trong đó, riêng tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc đạt 91,05 triệu USD, tăng 4,2% so với tháng 11/2022 nhưng giảm mạnh 42% so với tháng 12/2021.
Trung Quốc là thị trường Việt Nam xuất khẩu thức ăn gia súc lớn nhất, tháng 12/2022 giảm 3% so với tháng 11/2022 và giảm 22,8% so với tháng 12/2021, đạt 37,65 triệu USD, tính chung kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2022 đạt 443,71 triệu USD, tăng 16,9% so với năm 2021, chiếm 39,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường Campuchia – thị trường lớn thứ 2 trong năm 2022 tăng 13,1% so với năm 2021, đạt 165,36 triệu USD, chiếm 14,6% trong tổng kim ngạch; riêng tháng 12/2022 giảm 20,4% so với tháng 11/2022 nhưng tăng 27,9% so với tháng 12/2021, đạt 11,26 triệu USD.
Thị trường Mỹ xếp thứ 3 về kim ngạch, đạt 136,14 triệu USD, tăng mạnh 47,7% so với năm 2021; riêng trong tháng 12/2022 tăng mạnh 212,5% so với tháng 11/2022 và tăng 11,5% so với tháng 12/2021, đạt 12,03 triệu USD.
Xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường FTA-RCEP trong năm 2022 tăng 3,9% so với năm trước, đạt 854,54 triệu USD, chiếm 75,7% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu sang thị trường CPTTP tăng 29,4% so với năm trước, đạt 131,59 triệu USD, chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ tốt nhất cho ngành thức ăn chăn nuôi, cần tháo gỡ được nút thắt quan trọng nhất về giảm nguồn phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi là những vấn đề cần thực hiện trong dài hạn.
Các chuyên gia và doanh nghiệp TACN cũng đưa ra những đề xuất trước mắt với Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thông qua: Hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh và phát triển đàn vật nuôi ở các địa phương; Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; Hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học; Nâng cao công tác thống kê, dự báo thị trường ngành chăn nuôi, cân đối sản lượng TACN trong nước với tốc độ phát triển của đàn gia súc, gia cầm; Đơn giản các thủ tục hành chính để giảm chi phí, hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, kho bãi chuyên dùng phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi; Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi./.
Thương Huyền (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.