Năm 2022, xuất khẩu thủy sản đối mặt với nhiều thách thức

Đầu tư và Tiếp thị
01:57 PM 14/01/2022

Đại dịch COVID-19 khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) thủy sản lo ngại về mục tiêu 8,8 tỷ USD. Tuy nhiên, với việc lội ngược dòng ngoạn mục những tháng cuối năm, XK thủy sản Việt Nam cán đích năm 2021 vượt trên mong đợi, trong đó tỉnh Cà Mau dẫn đầu cả nước về kim ngạch XK thủy sản, với trên 1 tỷ USD.

Cà Mau dẫn đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản

Dù mất 4-5 tháng đình trệ, duy trì sản xuất trong điều kiện khó khăn trước đại dịch, bằng sự nỗ lực vượt khó và bắt nhịp được xu thế phục hồi, nhiều tỉnh, thành phố đã ghi nhận những kết quả khả quan trong xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản.

Vượt khó COVID-19, nhiều tỉnh, thành xuất khẩu thủy sản dẫn đầu cả nước - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng mạnh 23% trong tháng 11/2021, XK thủy sản tháng 12/2021 tiếp tục tăng 29% khi đạt trên 940 triệu USD, trong đó XK tất cả các sản phẩm chủ lực đều tăng mạnh, qua đó đưa kết quả XK thủy sản cả năm 2021 đạt trên 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020.

Cà Mau là tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch XK thủy sản năm 2021, với trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 11% XK thủy sản của cả nước. Xếp thứ 2 là tỉnh Sóc Trăng với 986 triệu USD (chiếm gần 11%). Đứng thứ 3 là TP Hồ Chí Minh (922 triệu USD, chiếm 10%).

Trong top 5 địa phương đứng đầu còn có Đồng Tháp (kim ngạch 764 triệu USD, chiếm 8,4% cả nước) và Khánh Hòa (753 triệu USD, chiếm 8,3% cả nước).

Hầu hết các tỉnh/thành đều có chung xu hướng giảm mạnh XK thủy sản trong các tháng của quý III do dịch COVID-19 bùng phát mạnh. Sau đó, XK của TP Hồ Chí Minh có xu hướng hồi phục mạnh nhất, riêng tháng 12, địa phương này có doanh số XK thủy sản cao nhất năm với 127 triệu USD, cũng là mức cao nhất cả nước.

Còn XK thủy sản của Cà Mau đạt đỉnh vào tháng 10/2021 cũng với mức 127 triệu USD. Hai tháng cuối của quý IV/2021, XK thủy sản của Cà Mau tuy hồi phục so với quý III/2021 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quý II/2021.

Trong 20 địa phương có kim ngạch XK thủy sản hàng đầu của cả nước, vùng ĐBSCL vẫn là khu vực đóng góp nhiều nhất với 10 tỉnh/thành, ngoài 4 tỉnh kể trên còn có Cần Thơ (xếp thứ 6), Bạc Liêu (7), Kiên Giang (9), Long An (10), Tiền Giang (11), An Giang (12) và Hậu Giang (13).

Tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ, ngoài TP Hồ Chí Minh còn có Bà Rịa – Vũng Tàu (xếp thứ 8), Đồng Nai (17) và Bình Dương (20). Miền Trung có Bình Thuận (14), Đà Nẵng (15), Bình Định (16) và Phú Yên (19). Miền Bắc có Hưng Yên (xếp thứ 18).

Vượt khó COVID-19, nhiều tỉnh, thành xuất khẩu thủy sản dẫn đầu cả nước - Ảnh 2.

Top 20 địa phương XK thủy sản đứng đầu cả nước năm 2021. Ảnh: VASEP

Năm 2022 nhiều cơ hội và thách thức

Vượt qua thách thức từ đại dịch, ngay từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp tại các địa phương đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường và phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu để không bỏ lỡ những đơn hàng.

Mặc dù đã có sự chủ động, các DN cũng ký kết được các đơn hàng xuất khẩu thủy sản lớn, song theo phân tích của các chuyên gia, việc kiểm soát dịch COVID-19 chưa có sự chắc chắn, bên cạnh đó là áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao nên kế hoạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2022 được đánh giá là khiêm tốn.

Vượt khó COVID-19, nhiều tỉnh, thành xuất khẩu thủy sản dẫn đầu cả nước - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm. Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên sản phẩm tôm theo quy định của Hàn Quốc dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm. 

Đánh giá về cơ hội xuất khẩu thủy sản năm 2022, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng: “Năm 2022, xu hướng thị trường sẽ vẫn tiếp tục bị tác động bởi những chính sách siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch. Thị trường châu Âu trong năm 2022 sẽ khó có đột biến tăng trưởng do vẫn chưa thấy được các kết quả thoát dịch bền vững. Bên cạnh đó, nhiều thị trường không chịu nổi mức giá tăng của cá tra từ áp lực cước vận chuyển tăng vọt gấp 10 lần... Hàng rào kiểm soát COVID-19 cũng là rào cản lớn đối với xuất khẩu. Điển hình là DN đang gặp khó xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc khi quốc gia này áp dụng chính sách “zero COVID-19”.

Để giấc mơ thủy sản vươn xa, bền vững, không phải là tâm trạng trông chờ “thoát hiểm cuối năm” như hiện tại, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập, chia sẻ với báo chí: Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực khai thác, chế biến, xuất khẩu và dư địa gia tăng chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao từ các nguyên liệu, phụ phẩm tôm, cá tra còn rất lớn.

Vì thế, phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “sân chơi” nội địa và quốc tế để các DN ngành thủy sản ứng xử đúng, liên kết lại để “làm sạch” con tôm, con cá và các sản phẩm thủy sản, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Các dịch vụ hậu cần logistics, thương mại điện tử, ứng dụng số cần được khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị thủy sản sáng tạo. Đạt được điều đó thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở con số 9 tỷ USD.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.