Năm 2023, đầu tư công tiếp tục là động lực để phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Tài chính - Đầu tư
03:05 PM 09/02/2023

Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 27.000 tỷ đồng.

Báo cáo chiến lược 2023 của Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, trong năm 2022, Việt Nam đã phân bổ 580,3 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công. Tính đến cuối tháng 12/2022, cả nước đã chi 511,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 85,2% kế hoạch cả năm.

"Chúng tôi kỳ vọng phần còn lại sẽ được chi vào năm 2023, ngoài ra Chính phủ còn đề ra mục tiêu chi thêm 650-700 nghìn tỷ đồng cho năm 2023", ACBS nhận định.

Theo Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu, Việt Nam sẽ cần trung bình 25 tỷ USD trong 20 năm tới, tập trung vào lĩnh vực năng lượng (44%), đường bộ (22%) và viễn thông (16%). Việc nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI hơn.

Đầu tư công dự kiến được đẩy mạnh trong năm 2023 - Ảnh 1.

Năm 2023, đầu tư công tiếp tục là động lực để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: VGP/Đoàn Bắc)

Cả nước hiện có 1.290 km đường cao tốc và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 5.000 km và đến năm 2050 là 9.000 km. Dự án lớn nhất là 723 km đường cao tốc Bắc - Nam chia thành 12 tiểu dự án trên cả nước, với tổng chi phí dự kiến là 147 nghìn tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Cảng và cảng biển là một động lực khác để thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cả nước hiện có 251 bến cảng và 45 cảng biển với công suất thông qua 543,7 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong năm 2023, Quốc hội thông qua có tổng số vốn 700.000 tỷ đồng - tăng khoảng 140.000 tỷ đồng (25%) so với kế hoạch năm 2022. Đây là một sức ép lớn cho việc giải ngân. Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc khẩn trương phân bổ chi tiết nguồn vốn cho các dự án, công trình là nhiệm vụ quan trọng với các bộ, ngành, địa phương lúc này để thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Năm 2023, đầu tư công tiếp tục là động lực để phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định.

Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 27.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý đạt 4.200 tỷ đồng - bằng 3,1% kế hoạch năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 22.800 tỷ đồng - bằng 4,2% kế hoạch năm, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hà Nội và TP HCM có tỉ lệ giải ngân cao nhất trong tháng 1/2023, khi lần lượt đạt hơn 2.698 tỷ đồng và 1.638 tỷ đồng.

Mai Phương
Ý kiến của bạn