Năm 2023, giao dịch trên ATM giảm về số lượng lẫn giá trị giao dịch

Ngân hàng
09:30 AM 12/01/2024

Giao dịch ATM (giao dịch thẻ thực hiện tại máy giao dịch tự động) đã giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch trong năm 2023, đây là số liệu mới nhất được NAPAS ghi nhận và thống kê.

Ngày 11/01/2024, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tổ chức "Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024". Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết, những kết quả đạt được của năm 2023 tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống NAPAS, thúc đẩy sự tăng trưởng chung của toàn ngành.

Theo đó, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. Riêng giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch, đến nay tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Con số trên phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 247, thanh toán quét mã QR.

Năm 2023, giao dịch trên ATM giảm về số lượng lẫn giá trị giao dịch- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm với số lượng giao dịch tăng cao (hơn 27 triệu giao dịch/ngày).

Chỉ số cam kết chất lượng dịch vụ (SLA) đối với các dịch vụ chuyển mạch ATM/POS, thanh toán thẻ trực tuyến và dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 trong năm 2023 đều đạt cam kết 99.98%. Đối với các giai đoạn cao điểm như dịp cuối năm, cận Tết Nguyên đán, NAPAS luôn chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng về hệ thống và nguồn lực; xây dựng phương án, kịch bản ứng cứu sự cố và dự phòng cho các hệ thống thông tin quan trọng; tăng cường nhân sự liên tục trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp.

Về tăng cường triển khai và mở rộng các sản phẩm, dịch vụ mới, trong năm 2023, NAPAS đã tích hợp, triển khai mở rộng dịch vụ thanh toán dịch vụ công với 71 Bộ ngành/ địa phương và 44 tổ chức phát hành là các ngân hàng, công ty tài chính. Ngoài ra, thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, NAPAS đã chính thức triển khai dịch vụ thanh toán quét mã QR liên thông giữa Việt Nam - Campuchia, qua đó tiếp tục mở rộng phạm vi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Việt Nam ra nước ngoài, mang đến hệ sinh thái thanh toán tiện lợi cho người dân cũng như hỗ trợ các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, du lịch giữa các quốc gia.

Cũng trong năm qua, NAPAS đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành triển khai dịch vụ chi trả an sinh xã hội qua số CCCD/VNeID với 03 Tổ chức thành viên (TCTV) trên cơ sở triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.

NAPAS tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, đặc biệt tập trung vào các giao dịch thanh toán nhỏ lẻ (dưới 1 triệu đồng), thanh toán dịch vụ công. Tổng phí đã giảm trong năm 2023 ước đạt 757 tỷ đồng. Trong số đó, tỷ lệ giao dịch miễn phí qua hệ thống chuyển mạch chiếm gần 65% tổng giao dịch xử lý của hệ thống NAPAS.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.