Năm 2023, LienVietPostBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14%
Trong kế hoạch năm 2023, LienVietPostBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% lên 375.000 tỷ đồng, huy động thị trường 1 tăng 18% lên 295.740 tỷ đồng, tín dụng tăng 16% lên 273.490 tỷ đồng.
Vào ngày 23/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông 2023. Dự kiến, tại đại hội lần này, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến LienVietPostBank sẽ được trình lên để cổ đông thông qua như tên viết tắt của ngân hàng, việc thay đổi bộ máy lãnh đạo hay tăng vốn điều lệ.
Trong năm 2022, LienVietPostBank ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.689 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 4.510 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2021. Giải trình mức lợi nhuận sau thuế "khủng" này, LienVietPostBank cho biết lý do: Hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh do ngân hàng phát triển các dịch vụ thẻ, ngân hàng số, thanh toán, bảo hiểm… do vậy thu thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 94% so với năm 2021. Ngoài ra, ngân hàng còn lý giải một số lý do khác như: thu nhập thuần từ lãi tăng trưởng, đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu, kiểm soát chi phí hoạt động tốt…
Tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động) của ngân hàng được cải thiện đáng kể, giảm từ 50,6% xuống 37,4%. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 327.745 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2021, hoàn thành 98% kế hoạch.
Tín dụng thị trường 1 đạt 235.767 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2021, sử dụng hết hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Huy động vốn thị trường 1 đạt 250.936 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2021, phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Thu dịch vụ đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2021, hoàn thành 145% kế hoạch năm.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,7% lên 235.506 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 19,8% lên 215.888 tỷ đồng. Nợ xấu của LienVietPostBank tăng 563 tỷ đồng trong năm 2022, lên 3.426 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,37% lên 1,46%.
Vốn điều lệ tăng từ 12.036 tỷ đồng lên 17.291 tỷ đồng, tăng 5.255 tỷ thông qua phát hành thành công hơn 525 triệu cổ phiếu bao gồm phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (35 triệu cổ phần), chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (265 triệu cổ phần) và phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 (15% tương đương 225,5 triệu cổ phần). LPB đã hoàn thành 84% kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Ngân hàng đã hoàn thành chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III và Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9, trở thành một trong số ít các tổ chức tín dụng áp dụng đồng thời hai chuẩn mực khắt khe về quản trị rủi ro và báo cáo tài chính trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn thế giới.
Ngân hàng đã mở rộng mạng lưới thêm 5 Chi nhánh/Phòng Giao dịch trong năm 2022: CN Bỉm Sơn, CN Cẩm Thủy, CN Hồng Lĩnh, CN Bảo Lộc, PGD Mỹ Hào. Ngân hàng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mở thêm 5 chi nhánh và năm 2023 sẽ đẩy nhanh tiến độ để đưa chi nhánh mới vào hoạt động.
Về kế hoạch năm 2023, LienVietPostBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% lên 375.000 tỷ đồng; huy động thị trường 1 tăng 18% lên 295.740 tỷ đồng, tín dụng tăng 16% lên 273.490 tỷ đồng. Ngân hàng cũng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng tương đối thận trọng với 6.000 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng nhẹ hơn 5,4% và 4.800 tỷ lãi sau thuế, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm nay, ngân hàng cũng dự định triển khai chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 19%. Với vốn điều lệ tại thời điểm phân phối là hơn 17.291 tỷ đồng, LienVietPostBank sẽ chi ra khoảng 3.285 tỷ để chia cổ tức.
Theo tài liệu ĐHCĐ của LienVietPostBank, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc thay đổi tên viết tắt của ngân hàng. Theo đó, về việc thay đổi tên, tên viết tắt tiếng Anh chính thức của ngân hàng là "LienVietPostBank" được dùng trên tất cả các văn bản pháp lý và các kênh truyền thông. Tuy nhiên, nhược điểm của tên gọi này là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ, dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ. Do đó, HĐQT ngân hàng trình ĐHĐCĐ xem xét, phê duyệt việc thay đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng thành "LPBank".
Liên quan đến cổ phiếu của ngân hàng này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo hủy phiên bán đấu giá 140 triệu cổ phần của ngân hàng này do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu vào ngày 21/4. Nguyên nhân là do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc ngày 14/4, không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần của công ty nên phiên đấu giá cổ phần không đủ điều kiện để tổ chức.
Trong một diễn biến khác, thời gian gần đây, hàng loạt các cổ đông có liên quan đến người nhà lãnh đạo LienVietPostBank muốn thoái sạch vốn tại ngân hàng này. Cụ thể, bà Phạm Thị Thanh Thủy, vợ ông Bùi Thái Hà, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng đăng ký bán hơn 2,23 triệu cổ phiếu LPB trong thời gian từ ngày 21/4-18/5 theo hình thức khớp lệnh hoặc/và thỏa thuận nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.
Ông Dương Công Đoàn, anh trai Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Dương Công Toàn, em trai của ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, đã bán ra toàn bộ hơn 3,8 triệu cổ phiếu LPB mà ông sở hữu từ ngày 12 đến 14/4 vừa qua.
Thanh ThủyVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.