Năm 2023 sẽ có gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại
Bộ Công Thương vừa ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.
Thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2023 công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế. Theo đó, sẽ có hàng trăm ngàn lượt DN được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này.
Chương trình sẽ tập trung vào các nội dung: Kết nối giao thương DN Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế; quảng bá sản phẩm xuất khẩu tại các hội chợ chuyên ngành quốc tế có uy tín tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới có tiềm năng; tổ chức các hội nghị ngành hàng quốc tế lớn tại Việt Nam để quảng bá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, quảng bá ngành hàng xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu.
Đối với thị trường Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch để tận dụng các cơ hội.
Các hoạt động kể trên cho thấy, công tác xúc tiến thương mại luôn được Bộ Công Thương chú trọng với phương châm “Duy trì thị trường truyền thống, khai mở thị trường mới cho xuất khẩu”.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1 - 15/2), kim ngạch xuất khẩu đạt 13,44 tỷ USD. 4 nhóm hàng xuất khẩu "tỷ đô" trong kỳ này là: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Với kết quả trên, tổng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến 15/2 đạt 37 tỷ USD, giảm 3,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 12,38 tỷ USD, trong đó, 2 nhóm hàng lớn nhất với kim ngạch "tỷ đô" là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, kim ngạch nhập khẩu đạt 35,32 tỷ USD.
Như vậy, từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 72,32 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư với con số xuất siêu 1,68 tỷ USD.
Trong năm 2023, ngành Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 393 - 394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hóa so với năm 2022, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư. Đây là những con số đầy thách thức cho mục tiêu tăng trưởng trong năm này, nhất là bối cảnh khởi đầu năm mới hoạt động này diễn ra khá trầm lắng.
Thương Huyền (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.