Năm 2023, Vụ Thị trường trong nước đặt mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9%

Kinh doanh
10:23 AM 04/02/2023

Mục tiêu năm 2023 là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%.

Đó là mục tiêu được Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Trần Duy Đông đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023.

Mục tiêu trên dựa vào kết quả đạt được trong năm 2022. Theo đó, quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021 (trong khi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 là 8%).

Năm 2023, Vụ Thị trường trong nước đặt mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9% - Ảnh 1.

Vụ Thị trường trong nước đặt mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9%. Ảnh: Bộ Công Thương

Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng trưởng cao, đạt 10,15% so với năm 2021, đóng góp 0,97 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Hơn nữa, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành gấp 2,1 lần. 

Từ đó, Vụ Thị trường trong nước đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9% trong năm 2023.

Để cán đích mục tiêu tăng trưởng 8-9%, các giải pháp chính được Bộ thực hiện gồm: đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.

Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.

Hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân, các hợp tác xã,…) trong hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Năm 2023, Vụ Thị trường trong nước đặt mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 8 - 9% - Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ông Trần Duy Đông. Ảnh: Công Thương

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết hợp hài hòa giữa kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống. Đặc biệt quan tâm dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ưu tiên tập trung phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; Khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng internet … đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở phân phối.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam

Năm 2024 ghi dấu ấn là năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.