Năm 2024, cả nước thành lập mới gần 2.000 HTX
Các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) và liên hiệp HTX nông nghiệp đang tập trung xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh quốc tế.
Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trong năm 2024, cả nước đã thành lập mới 1.942 hợp tác xã. Những địa phương dẫn đầu về số lượng HTX thành lập mới bao gồm Quảng Ninh với 152 HTX, Hà Nội 120 HTX và Yên Bái 120 HTX. Ngược lại, những tỉnh có số lượng HTX mới thành lập thấp nhất là Hà Giang với 3 HTX, Khánh Hòa 4 HTX và Bình Thuận 5 HTX.
Ước đến ngày 31/12/2024, tổng số HTX trên cả nước đạt 33.557, tăng 1.454 HTX so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 22.415 HTX nông nghiệp, chiếm 66,8% tổng số, tăng 1.062 HTX so với năm trước; và 11.142 HTX phi nông nghiệp, bao gồm: 2.792 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 3.103 HTX thương mại - dịch vụ, 1.924 HTX giao thông vận tải, 860 HTX xây dựng, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 646 HTX dịch vụ môi trường, cùng 636 HTX thuộc các lĩnh vực khác.
Các HTX trên cả nước thu hút hơn 6,139 triệu thành viên (phần lớn là đại diện hộ gia đình), tăng 108.134 thành viên so với năm 2023, với bình quân mỗi HTX có 183 thành viên.
Hiện có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số HTX. Các hình thức liên kết này ngày càng đa dạng, tập trung vào các công đoạn khác nhau trong chuỗi giá trị. Trong hơn 5.300 chủ thể tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, có 38,1% là từ các HTX.
Ngoài mô hình HTX, tính đến cuối năm 2024, cả nước ước có 141 liên hiệp HTX, tăng 11 liên hiệp so với năm 2023, trong đó có 12 liên hiệp HTX đã ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, ước tính đến ngày 31/12/2024, cả nước có 72.183 tổ hợp tác (THT), giảm 1.893 THT so với năm 2023. Trong đó, 52.066 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 72% tổng số, giảm 832 THT so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của các đại biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 13, khóa VI nhiệm kỳ 2020-2025, trong năm 2024 và năm 2025, nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực then chốt, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Các THT, HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp đang tập trung xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh quốc tế.
Việc các THT, HTX và liên hiệp HTX chú trọng xây dựng các chuỗi giá trị nông sản toàn diện và minh bạch, kết nối chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ không chỉ tạo thêm việc làm cho người dân và thành viên mà còn tối đa hóa giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Trong thời gian tới, các THT, HTX và liên hiệp HTX cần đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng công nghệ blockchain, đảm bảo tính minh bạch và giúp người tiêu dùng dễ dàng theo dõi hành trình sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn. Đồng thời, cần đầu tư vào việc đạt các chứng nhận chất lượng quốc tế, phát triển sản phẩm đặc thù có giá trị cao, xây dựng thương hiệu riêng, từ đó nâng cao khả năng thích ứng với thị trường và gia tăng doanh thu cũng như lợi nhuận.
Minh An (t/h)TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng là 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024.