Năm 2024, kiều hối về TP.HCM đạt mức kỷ lục gần 9,6 tỷ USD
Lượng kiều hối về TP.HCM trong năm 2024 đạt 9,547 tỷ USD, chiếm 60% con số của cả nước ước tính đạt khoảng 16 tỷ USD.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, kiều hối là nguồn lực quan trọng với đất nước, dự báo đạt khoảng 16 tỷ USD trong năm 2024. Mức kiều hối này tương đương năm 2023, thời điểm kiều hối về Việt Nam cao kỷ lục sau thời gian tăng trưởng chậm do Covid-19.
Trong đó, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối của cả nước, đạt 9,6 tỷ USD, tăng 140 triệu USD so với năm trước. Trong tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn Thành phố năm vừa qua, hơn 74% được thực hiện thông qua các công ty kiều hối, trong khi các tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 26%.
“Cùng với các nguồn vốn ngoại tệ khác, kiều hối chuyển về năm 2024 đã góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố và phát huy vai trò nguồn cung ngoại tệ, để thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Một phần lý do khách quan tác động khiến lượng kiều hối về TP không tăng trưởng cao như năm ngoái được cho là từ tình hình kinh tế thế giới ảnh hưởng đến thị trường lao động và thu nhập, việc làm của kiều bào, người Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng thương mại, công ty kiều hối cũng là các yếu tố tác động trực tiếp đến lượng kiều hối chuyển về trong năm 2024.
Khu vực có lượng kiều hối chuyển về TPHCM chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 82,2% tổng lượng kiều hối chuyển về trong năm 2024 là châu Á và châu Mỹ. So với năm 2023, lượng kiều hối chuyển về của khu vực châu Á tăng 2,5%, châu Mỹ tăng 7,4%, châu Đại Dương tăng 8,7%. Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Âu giảm 23% và châu Phi giảm 33% so với năm 2023.
Theo thống kê từ UBND TP Hồ Chí Minh, trong tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, có đến 2,8 triệu người duy trì liên hệ với thành phố. Điều này giúp TP Hồ Chí Minh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút kiều hối, với lượng tiền gửi về hàng năm chiếm khoảng 50% tổng kiều hối của Việt Nam. Nguồn lực quan trọng này được ví như “vàng” cho sự phát triển kinh tế và xã hội của thành phố.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút kiều hối đầu tư các dự án và phát triển kinh tế. Đồng thời, hiện nay, các ngân hàng cũng đang tích cực đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, dịch vụ để tạo thuận lợi hơn cho việc gửi và nhận kiều hối, nhất là trong dịp cận kề Tết Nguyên đán - thời điểm mùa kiều hối sôi động nhất năm.
Huyền My (t/h)Năm 2025 ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 18 tỷ USD. Yếu tố xanh là yêu cầu tất yếu đối với ngành gỗ để đạt được mục tiêu đề ra và xuất khẩu bền vững.