Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng 17%

Xuất nhập khẩu
05:08 PM 23/01/2025

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023.

Dẫn số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 12/2024 đạt gần 86 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 989 triệu USD, tăng 17% so với năm 2023.

Trong năm qua, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam đều tăng so với năm trước. Các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Xuất khẩu nhóm sản phẩm này trong năm 2024 đã tăng trở lại và có xu hướng tăng nhanh trong những tháng cuối năm.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng 17%- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Về thị trường xuất khẩu, tính đến hết năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính vẫn ở mức cao hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng không ổn định trong nửa cuối năm.

Đáng chú ý, trong tháng 12/2024, xuất khẩu cá ngừ sang EU đã tăng nhẹ trở lại. Cùng với EU, xuất khẩu cá ngừ sang Canada sau một thời gian sụt giảm cũng đã tăng tốc trở lại trong 2 tháng cuối năm. Tính riêng trong tháng 12/2024, xuất khẩu cá ngừ sang Canada tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023.

Trái lại, xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản lại đang sụt giảm liên tục trong 2 tháng cuối năm. Riêng trong tháng 12/2024, xuất khẩu sang thị trường này giảm 27%. Xuất khẩu cá ngừ sang Israel cũng sụt giảm trong tháng 12/2024 với mức giảm 28% so với tháng 12/2023.

Dự kiến, ngành cá ngừ Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025 nhờ nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm tiếp tục tăng. Ngoài ra, sự đổi mới trong chính sách thuế quan của các thị trường quốc tế, đặc biệt tại Mỹ, sẽ là đòn bẩy cho xuất khẩu.

Theo phân tích, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump, Việt Nam có thể tiếp tục hưởng lợi từ các biện pháp đánh thuế cao đối với các sản phẩm NK từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu khi các ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong các Hiệp định Thương mại được khởi động lại đang là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp gia tăng XK sang các thị trường.

Tuy nhiên, hiện tại ngành cá ngừ vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ để tạo ra động lực thúc đẩy phát triển hơn nữa.

VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thuỷ sản những giải pháp, đề án có thể nghĩ tới là: Thiết lập chợ đấu giá cá ngừ (để bán được giá tốt nhất cho ngư dân) và xây dựng được dữ liệu truy xuất nguồn gốc cá ngừ; Soát xét, sử đổi phù hợp các quy định liên quan đến vùng khai thác (bờ, lộng, khơi); 

Soát xét, sửa đổi phù hợp các quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của một số loài, đặc biệt là cá ngừ vằn, ngừ vây vàng và các loài di cư; Có chiến lược xây dựng mô hình các Tập đoàn/doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển, không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.

Về chính sách thúc đẩy chế biến và xuất khẩu cá ngừ, VASEP khuyến nghị cần tiếp tục việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. 

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn