Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD
Trong năm 2024, dù đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, so với năm 2023.
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với kinh ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kinh ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN.
Đánh giá của VITAS cho thấy, năm 2024 trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm... nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận sự tăng trưởng đơn hàng trong năm 2024 và năm 2025. Các doanh nghiệp ngành sợi, mặc dù thị trường còn khá ảm đạm khi giá đơn hàng còn ở mức rất thấp, nhưng bằng nhiều giải pháp tiết kiệm, tối ưu chi phí trong sản xuất… nhiều doanh nghiệp đã có những tín hiệu tích cực.
Vì vậy, năm 2025 toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 47 - 48 tỷ USD. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho hay, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng. Trong đó, ngành may được dự đoán sẽ có lượng đơn hàng dồi dào hơn so với năm 2024.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng và các cơ hội mới, doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang phải đối mặt những thách thức mới trong năm 2025. Cụ thể, có thể kể đến tình trạng giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng cũng như các quy định liên quan đến thanh toán, giảm sản lượng… Hơn nữa, áp lực giảm giá đơn hàng đi cùng những quy định mới với các tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến “xanh hóa” trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu… là những vấn đề trước mắt các doanh nghiệp dệt may tiếp tục phải đối mặt trong năm tới.
Do đó, theo VITAS để hướng tới đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bền vững của các nhà nhập khẩu, bản thân các doanh nghiệp dệt may tiếp tục nỗ lực đầu tư, công nghệ hóa, robot hóa quy trình sản xuất…
Từ nay đến năm 2030, ngành Dệt may Việt Nam sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Huyền My (t/h)Với vị trí địa lý thuận lợi, sức phát triển cùng các chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc và nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành những lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.