Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam

Kinh doanh
11:17 AM 17/12/2024

Năm 2024 ghi dấu ấn là năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.

Ngày 16/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Hồng Phong - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu.

Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Năm 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam- Ảnh 1.

Năm 2024 là một năm bứt phá của Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Internet.

Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%).

Về thị trường, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ hai, tiếp đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là mà phải làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.

Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, cho hay Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. 

Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, cơ hội để sản phẩm của chúng ta xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất nhiều. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu...

Nhận định dư địa tăng trưởng còn nhiều, song Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, cho rằng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cũng còn không ít thách thức phía trước khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh bền vững.

Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn