Năm 2024, ngành da giày sẽ về đích với doanh số ước đạt gần 27 tỷ USD
Hết 11 tháng năm 2024, doanh thu xuất khẩu của toàn ngành da giày nước ta đạt 24,6 tỷ USD. Nếu duy trì mức xuất khẩu như tháng 11, toàn ngành da giày sẽ về đích với doanh số khoảng 27 tỷ USD, tăng thêm 3 tỷ USD so với năm 2023.
Theo số liệu từ Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê, xuất khẩu toàn ngành da giày tháng 11/2024 đạt 2,54 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2024 đạt 24,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.
Kết quả này ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ so với mức thực hiện thấp của năm ngoái, khi chỉ cán đích 24 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 4 tỷ USD) so với năm 2022.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.
Các thị trường xuất khẩu năm 2024 đều có sự tăng trưởng. Một số thị trường lớn như Mỹ, EU giữ được mức tăng trên 10%. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng.
Năm 2024, ngành da giày đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Trong đó, giày thể thao, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, mặt hàng này cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn, cùng với sự thúc đẩy của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) giữa Việt Nam và UAE, cũng như FTA Việt Nam - Israel (VIFTA).
Nếu duy trì mức xuất khẩu như tháng 11, toàn ngành da giày sẽ về đích với doanh số khoảng 27 tỷ USD, tăng thêm 3 tỷ USD so với năm 2023.
Dù có lợi thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, nhưng ngành da giày vẫn có những thách thức lớn. Năm 2024 đơn giá thấp, thậm chí bị ép giảm. Cùng đó, các đơn hàng đang có xu hướng yêu cầu chất lượng và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững cao hơn đã tạo thêm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hơn nữa, chi phí đầu vào tăng cao, nguồn lao động khan hiếm tất cả khó khăn đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chúng ta sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.
Về kế hoạch năm 2025, ngành da giày vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu, sau đó mới từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.
Doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon nhằm mở thêm kênh tiêu thụ.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, bối cảnh thị trường năm 2025 không có nhiều thay đổi so với năm 2024. Đơn hàng không quá khó khăn nhưng doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí tăng cao. “Năm 2025 ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD”, bà Xuân nhấn mạnh.
Huyền My (t/h)Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn, với 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.