Năm 2024, ngành dừa kỳ vọng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD
Hiện nay, ngành dừa Việt Nam, với diện tích gần 200.000 ha, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dừa đạt hơn 900 triệu USD, năm 2024 ngành dừa kỳ vọng đạt hơn 1 tỷ USD.
Ngày 13/12, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tổ chức diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị dừa, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nông dân nắm bắt các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đồng thời hướng tới phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam.
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) - cho biết hiện nay ngành dừa Việt Nam có diện tích gần 200.000ha và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và ĐBSCL.
Từ con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
Theo bà Thủy, những bước tiến tích cực như việc Mỹ và châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa. Đặc biệt, mới đây Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội cho trái dừa Việt Nam.
Trung Quốc hiện là thị trường rất quan trọng của dừa, hằng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỉ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỉ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của Việt Nam.
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT năm 2024. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000 ha; vùng trồng dừa trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 - 175.000 ha, vùng Duyên Hải Nam Trung bộ diện tích 16.000 - 20.000 ha, còn lại 9.000 - 15.000 ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ...
Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ NN&PTNT rất quan tâm. Cụ thể vừa qua Bộ NN&PTNT đã làm việc, ký kết hiệp định thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu dừa chính ngạch; phối hợp Đại học Trà Vinh nghiên cứu lai tạo giống dừa để tạo thuận lợi cho ngành dừa phát triển...
Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc, đồng thời hướng dẫn người dân khai thác triệt để giá trị từ cây dừa.
Huyền My (t/h)Giá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (16/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.