Năm 2024, quy mô vốn điều lệ của ngành ngân hàng sẽ thay đổi đáng kể

Ngân hàng
08:47 AM 04/01/2024

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn về việc chấp thuận cho một số ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua nhiều phương án như phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Những ngày đầu năm 2024, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã thông báo kế hoạch tăng vốn.

Theo đó, các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ gồm: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank)…

Năm 2024, quy mô vốn điều lệ của ngành ngân hàng sẽ thay đổi đáng kể- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, NCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng. NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.

NCB sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận (dự kiến trong quý II/2024). Việc chuyển nhượng số cổ phiếu này bị hạn chế trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành chào bán.

LPBank cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ đồng lên hơn 25.576 tỷ đồng. Trước đó, LPBank cũng đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385 tỷ đồng theo phương án do đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua. Cụ thể, ngân hàng phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19%, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị tương đương 5.000 tỷ đồng.

Sau tăng vốn điều lệ, LPBank tiếp tục nằm trong top những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Cuối tháng 12/2023, SaigonBank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với SaigonBank nhằm nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đổi mới công nghệ bắt kịp xu hướng phát triển.

Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần, chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Các ngân hàng được chấp thuận bao gồm: HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LPBank, BacABank, VietABank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, BVBank, MSB, KienLongBank, NamABank, NCB, VPBank.

Đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước cũng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 và chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…

Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các tổ chức tín dụng (TCTD). Hệ số CAR được tính theo Thông tư số 41 tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%.

Theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%, đến năm 2025 đạt tối thiểu 11 - 12%.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn