Năm 2024, thị trường TPDN có dấu hiệu phục hồi
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam có những dấu hiệu phục hồi và cải thiện rõ rệt với lượng phát hành tăng mạnh và cơ cấu trái phiếu mới phát hành theo nhóm ngành đã đa dạng hơn trong những tháng cuối năm 2024.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2024, đã có 96 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023. Trong khi đó, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187 nghìn tỷ đồng (giảm 24,7% so với năm 2023).
Trên thị trường đã có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành thực hiện đăng ký giao dịch trên Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ. Tổng giá trị giao dịch đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.
Tính từ thời điểm hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu vận hành (ngày 19/7/2023) đến nay, số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống đã công bố trên Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 1.384 mã trái phiếu của 321 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt gần 1.066,7 nghìn tỷ đồng; có 500 mã trái phiếu thuộc 171 tổ chức phát hành thực hiện giao dịch; tổng giá trị giao dịch đạt 1.142,8 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 3,37 nghìn tỷ đồng/phiên.
Mặc dù thị trường TPDN có phục hồi mạnh về giá trị phát hành nhưng chủ yếu đóng góp đến từ khối ngân hàng, nhóm các doanh nghiệp bất động sản hồi phục với tốc độ chậm. Trong đó, các ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành luôn chiếm trên 70% tổng lượng phát hành toàn thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi thị trường bất động sản hồi phục, có thể dẫn đến nhu cầu phát hành trái phiếu mới cho các dự án tiềm năng.
Đồng thời, những chính sách mới, luật mới có hiệu lực trong thời gian gần đây nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững. Điển hình, Luật Chứng khoán (sửa đổi) tạo ra khung kỷ luật nghiêm ngặt hơn, giúp tăng cường tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi bền vững của thị trường trái phiếu năm 2025.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán các khoản chi theo dự toán, kịp thời trả các khoản nợ gốc đến hạn. Năm 2024 đã phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành trái phiếu Chính phủ với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, định kỳ trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; qua đó góp phần ổn định, lành mạnh thị trường tài chính – tiền tệ, kiểm soát lạm phát.
Bộ Tài chính cho hay, năm 2025 sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững trong lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nâng cao tính công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hình vi vi phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Huyền My (t/h)Sáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.