Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính đạt 18,3%
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý, đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Sáng 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết, Việt Nam có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.
"Hiện có gần 900 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm và 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia, Hà Nội và TP.HCM vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu", ông Thái Thanh Quý dẫn số liệu.
Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 18,3%. Ngành công nghiệp công nghệ số ước đạt doanh thu 152 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu phần cứng và điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cần thẳng thắn chỉ ra trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách so với nhóm các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ số cốt lõi...
Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, ông Thái Thanh Quý khẳng định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, theo ông Thái Thanh Quý, cần có những đột phá, trong đó đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước.
"Đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nói.
Đề cập nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ông Thái Thanh Quý cho biết Bộ Chính trị xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài.
Nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng này bao gồm: thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược. Trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
"Phải bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài", ông Thái Thanh Quý nói và nhấn mạnh việc khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Huyền My (t/h)Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.