Năm 2024, Việt Nam phải nhập hơn 26 triệu tấn than cho sản xuất điện
Theo quyết định kế hoạch than cho sản xuất điện năm 2024 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, chủ đầu tư các nhà máy điện phải thu xếp hơn 74,3 triệu tấn than cho sản xuất điện năm sau, trong đó lượng than phải nhập hơn 26 triệu tấn.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3111/QĐ-BCT phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024.
Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp 74.307 nghìn tấn than để cấp cho sản xuất điện năm 2024. Trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu khoảng 26.084 nghìn tấn. Các loại than cấp cho từng nhà máy thực hiện theo hợp đồng mua bán than năm 2024.
Tức là nguồn than trong nước cung ứng từ Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty than Đông Bắc chỉ cung ứng được hơn 48,2 triệu tấn than cho sản xuất điện năm sau.
Để đủ than cho sản xuất điện năm sau, Bộ Công Thương giao các chủ đầu tư đa dạng nguồn than nhập khẩu, mua bù đắp lượng than mà TKV, Tổng công ty than Đông Bắc không thể đáp ứng, trừ các nhà máy điện BOT dùng than trong nước được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cấp than. Hàng tháng, doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý việc cung ứng, dự trữ than cho điện.
Các nhà máy cũng chịu trách nhiệm toàn diện trong thu xếp nguồn than hợp pháp, thông số kỹ thuật phù hợp công nghệ của nhà máy (trừ các nhà máy BOT). Việc này nhằm đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho hoạt động của nhà máy với giá cạnh tranh.
"Trong mọi trường hợp không được để đứt gãy nguồn cung ứng than, thiếu than cho sản xuất điện", Bộ Công Thương yêu cầu.
Ngoài Australia, Indonesia - các thị trường nhập than chính của Việt Nam, thì nhập khẩu than từ Lào cũng được tính tới. Theo bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực than Việt Nam - Lào ký hồi tháng 7, mỗi năm Việt Nam sẽ nhập khoảng 20 triệu tấn than từ Lào, tùy điều kiện thực tế thị trường, nhu cầu mỗi bên.
Tuy vậy để có giá than nhập từ Lào cạnh tranh, tại hội nghị bàn về thúc đẩy hợp tác mua bán than từ Lào ngày 9/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ Lào giảm thuế xuất khẩu than và các loại phí liên quan. Việc này nhằm giảm giá thành than Lào nhập về Việt Nam.
Cùng đó, Bộ trưởng Diên đề nghị phía Lào đẩy nhanh việc đầu tư, nâng cấp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp hệ thống hạ tầng, kho bãi, vận chuyển than về Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc và các đơn vị cung cấp than khác thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 2/12/2019; Phối hợp với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than khẩn trương hoàn tất việc ký Hợp đồng mua bán than năm 2024; cung cấp than đầy đủ và liên tục, bảo đảm khối lượng, chất lượng, đúng chủng loại và tiến độ cung cấp cho các nhà máy theo điều khoản Hợp đồng đã ký.
Thực hiện nghiêm các cam kết khác tại hợp đồng đã ký và chịu trách nhiệm toàn diện nếu không cung cấp đủ than theo cam kết đã ký dẫn tới thiếu than cho sản xuất điện. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cung cấp than theo tháng, quý phù hợp với diễn biến của thời tiết và kế hoạch sản xuất điện của từng nhà máy để bảo đảm cung cấp ổn định và liên tục, đủ khối lượng và đúng loại than cho từng nhà máy theo các điều khoản của Hợp đồng đã ký.
Để đủ than cho sản xuất điện năm tới, các tập đoàn khác như EVN, PVN rà soát, điều chỉnh kế hoạch cung ứng than theo từng quý và báo cáo vào tháng cuối của quý. Các doanh nghiệp cần xây dựng biểu đồ cung cấp than, dự trữ than hàng tháng gửi về Bộ.
Huyền My (t/h)Thông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.