Năm 2025, ngành dệt may phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%

Kinh doanh
08:31 AM 10/02/2025

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%. Đây là một thách thức lớn, nhưng hoàn toàn khả thi nếu doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các nhà nhập khẩu.

Hiệp hội Diệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, giải quyết việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, với mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm. Năm 2024, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm trước. Với con số này, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí thứ 2 sau Trung Quốc về tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2025, ngành dệt may phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VTV

Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP (các nước trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), các nước ASEAN… hàng dệt may Việt Nam cũng đã khai thác những thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Từ nay đến hết quý II/2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Doanh nghiệp cũng đón nhận tín hiệu tăng trưởng khi các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh.

Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số (khoảng 10%), tương ứng xuất khẩu 48 tỷ USD. Mặc dù mục tiêu này không hề dễ dàng, song hoàn toàn có thể đạt được nếu các doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ năm 2031-2035, ngành dệt may sẽ phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để duy trì vị thế và phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần tăng cường chuyển đổi số, đầu tư vào máy móc tự động hóa, thực hiện các giải pháp xanh hóa sản xuất, đồng thời tối ưu chi phí để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc mở rộng sang các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Với nền tảng vững chắc và những thành tựu nổi bật trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu. Các tín hiệu phục hồi từ các thị trường lớn cùng sự cải thiện trong đơn giá đơn hàng là động lực quan trọng để các doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng. Với những chiến lược phát triển bền vững và nỗ lực không ngừng, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn