Năm 2025, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3-3,4%

Đầu tư và Tiếp thị
08:38 AM 03/01/2025

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64- 65 tỷ USD.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã tổ chức buổi gặp mặt, trao đổi cùng các phóng viên, nhà báo về định hướng phát triển, hoạt động truyền thông của ngành trong năm 2025. Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi gặp mặt.

Thông tin tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2024, ngành NNPTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp trước những khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc.

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,3%, cao hơn mức Chính phủ giao là 3-3,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 62,5 tỷ USD, thặng dư thương mại 17,9 tỷ USD; tạo lập mức kỷ lục mới cả về tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại (chiếm khoảng 72% thặng dư thương mại toàn nền kinh tế).

Trong năm, có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, gồm gỗ và sản phẩm gỗ (16,2 tỷ USD), rau quả (7,12 tỷ USD), gạo (5,75 tỷ USD), cà phê (5,48 tỷ USD), hạt điều (4,38 tỷ USD), tôm (đạt 3,86 tỷ USD), cao su (đạt 3,46 tỷ USD).

Năm 2025, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3-3,4%- Ảnh 1.

Năm 2025, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng 3,3 - 3,4%. (Ảnh minh họa, internet)

Ngành đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường. Đã tập trung khai thác hiệu quả việc xuất khẩu sang thị trường truyền thống Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU; phát triển thị trường mới Halal, châu Phi...

Cùng với đó, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) phát triển mạnh mẽ (số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đạt trên 14.600 sản phẩm, tăng trên 3.500 sản phẩm so với năm 2023).

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đi qua năm 2024 bằng nhiều cung bậc cảm xúc, từ nỗi lo vì chuỗi logistics toàn cầu bị ảnh hưởng, cho đến sự đau xót vì những hậu quả nặng nề do cơn bão Yagi để lại, rồi cuối cùng là niềm vui vỡ òa khi toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu ở mốc 62,5 tỷ USD. Con số này vượt xa mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản là 55 tỷ USD trong năm 2024. 

Khẳng định năm 2025 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá về đích cho mục tiêu Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021-2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, năm 2025, ngành NNPTNT đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành đạt từ 3,3 - 3,4%, tương đương tổng kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 64 - 65 tỷ USD.

Về nông thôn mới, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ xã đạt chuẩn trên 80%, có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%; tỷ lệ hộ ở nông thôn được sử dụng nước sạch là 60%.

Để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến giải pháp kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới; Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh;

Song song đó là phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam có thể trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á Việt Nam có thể trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á

Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.