Năm 2025, phấn đấu thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 4-6%

Xuất nhập khẩu
12:47 PM 25/05/2024

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5-7%, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng từ 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

Đây là những mục tiêu được nêu tại Chỉ thị 17/CT-TTg do Thủ tướng ký ngày 22/5/2024 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường, cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới trên thế giới, chiến tranh thương mại, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.

Bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 đặc biệt lưu ý những vấn đề như ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga - Ukraine, dải Gaza, Biển Đỏ, chủ nghĩa bảo hộ, lạm phát, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, biến động giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, xu hướng dịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng… tác động trực tiếp, nhiều mặt đến Việt Nam…

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 là tập trung cân đối các chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm dự báo khả năng thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.

Năm 2025, phấn đấu thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 4-6%- Ảnh 1.

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với ước thực hiện 2024. Ảnh: Internet

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn.

Đối với nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.

Mục tiêu này đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách, mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn trên cơ sở có tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.

Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024. 

Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 124.740 tỷ đồng, bằng 33,3% dự toán được giao, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Dự toán chi ngân sách nhà nước sát khả năng thực hiện, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau.

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị, gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập; Kinh phí về chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01 tháng 7 năm 2024...

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.