Năm 2025, tổng lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt hơn 347 tỷ kWh

Kinh doanh
10:52 AM 24/12/2024

Nhằm đảm bảo cung ứng điện cho năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt khoảng 347,5 tỷ kWh, tăng 12,2% so với năm 2024.

Từ đầu năm 2024, tình hình cung ứng điện tại Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân trong bối cảnh nhiều biến động về thời tiết, thiên tai và các yếu tố thủy văn tại các hồ chứa thủy điện.

Bộ Công Thương ước tính, trong năm 2025, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống ước đạt 347,5 tỷ kWh, tăng khoảng 12,2% so với năm 2024. Trong đó, tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) khoảng 82.097MW, tăng khoảng 6,2% so với năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt các biện pháp nhằm đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô, đồng thời tổ chức các đoàn công tác để rà soát, chuẩn bị tốt công tác cung ứng điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Năm 2025, tổng lượng điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt hơn 347 tỷ kWh- Ảnh 1.

Ước tính tổng sản lượng điện toàn hệ thống điện quốc gia đến hết năm 2024 khoảng 309,7 tỷ kWh. Ảnh: Int

Theo Bộ Công Thương, ước tính tổng sản lượng điện toàn hệ thống điện quốc gia đến hết năm 2024 khoảng 309,7 tỷ kWh, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 2% so với kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024.

Đặc biệt trong năm 2024, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia được tách ra khỏi EVN và thành lập Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) trực thuộc Bộ Công Thương. Hoạt động này tạo tiền đề cho việc triển khai tốt hơn công tác tái cơ cấu ngành điện, phục vụ thị trường điện cạnh tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành điện vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Quá trình chuyển đổi năng lượng từ các nguồn hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26 còn chậm. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện nay vẫn chỉ hoạt động ở mức đơn giản hóa do hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành chưa được đầu tư đồng bộ và đầy đủ. 

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện liên tục ở mức cao, trong khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, ngày càng tăng nhanh trong cơ cấu nguồn điện, đặt ra nhiều áp lực đối với khả năng phát triển và vận hành ổn định của hệ thống điện quốc gia...

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn