Năm 2025, Việt Nam có thể trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới

Xuất nhập khẩu
10:22 AM 14/05/2025

Theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam có khả năng nhập khẩu tới 4 triệu tấn gạo trong năm 2025, qua đó vươn lên vị trí thứ 2 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ sau Philippines.

Cụ thể, báo cáo của USDA cho thấy nguồn cung gạo toàn cầu trong năm 2025 dự kiến tăng thêm 1 triệu tấn, đạt mức 538,7 triệu tấn. Tuy nhiên, mức tiêu thụ dự báo sẽ tăng mạnh hơn, thêm 6,1 triệu tấn, nâng tổng nhu cầu lên 538,8 triệu tấn, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt tiếp tục kéo dài.

Riêng Ấn Độ, quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, dự kiến tiêu thụ tới 125 triệu tấn, trong bối cảnh Chính phủ nước này vẫn kiên định với các chính sách đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Thương mại gạo quốc tế tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực, với tổng khối lượng giao dịch toàn cầu có thể vượt mốc 60 triệu tấn trong năm 2025 và 2026.

Năm 2025, Việt Nam có thể trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Theo báo cáo, trong số những thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, bất ngờ đến từ Việt Nam với lượng nhập có thể đạt tới 4 triệu tấn trong năm 2025 và 4,1 triệu tấn trong năm 2026. Việt Nam trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới do diện tích gieo trồng bị thu hẹp, sản lượng thu hoạch ít hơn và nhu cầu nhập khẩu ngày càng tăng đối với gạo giá rẻ từ Campuchia. Trong năm 2024, nhập khẩu gạo của Việt Nam ước tính khoảng 3,4 triệu tấn, sau Philippines và Indonesia.

Năm 2025, khách hàng mua gạo truyền thống của Việt Nam là Philippines vẫn là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với số lượng duy trì quanh mức 5,5 triệu tấn.

Nigeria đứng thứ 3 toàn cầu với 3 triệu tấn do nhu cầu tăng từ sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, thị trường này ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ.

Trung Quốc - nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới - dự kiến sẽ nhập khẩu 2,4 triệu tấn nhờ nguồn cung dồi dào và giá rẻ từ các nước châu Á. Các nước thành viên EU cũng sẽ nhập khoảng 2,2 triệu tấn gạo, giảm nhẹ so với các năm trước do nguồn cung nội địa gia tăng.

Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới trong 2 năm gần đây, dự kiến sẽ chỉ nhập khoảng 800.000 tấn nhờ nguồn cung nội địa gia tăng mạnh trong năm 2025.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng sẽ vượt qua Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới trong năm 2025. Việt Nam ước xuất khẩu đến 7,9 triệu tấn gạo so với 7 triệu tấn của Thái Lan và Ấn Độ lên tới 24 triệu tấn. Sự vươn lên của hạt gạo Việt Nam nhờ nhu cầu cao từ thị trường truyền thống Philippines và việc quay trở lại của các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Trong khi ấy, USDA dự báo Ấn Độ vẫn sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào năm 2026 với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt mức kỷ lục là 24,5 triệu tấn, tăng 500.000 tấn so với năm trước và chiếm gần 40% thương mại toàn cầu.

Sự gia tăng lượng gạo của đất nước đông dân nhất thế giới được lý giải là do vụ mùa bội thu, lượng dự trữ dồi dào và giá cả ổn định nhất trong số các nước xuất khẩu lớn.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Tín dụng xanh tăng trưởng cả về lượng và chất Tín dụng xanh tăng trưởng cả về lượng và chất

Thời gian qua, NHNN đã triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để tạo điều kiện triển khai, thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, từ đó, giúp tín dụng xanh tăng trưởng cả về lượng và chất.