Năm 2030 xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
11:47 AM 26/06/2023

Theo báo cáo mới đây của Standard Chartered, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5%.

Báo cáo nghiên cứu "Tương lai của thương mại: Những cơ hội mới cho các hành lang tăng trưởng cao" của Standard Chartered nhận định, tăng trưởng GDP quý II/2023 của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại, nhưng tăng trưởng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm, trong khi các dự báo về dài hạn vẫn được duy trì tích cực, thấy rõ nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2023 đạt hơn 287,9 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% và nhập khẩu đạt 139,07 tỷ USD, giảm 18,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,8 tỷ USD.

Xuất khẩu có khả năng đạt 618 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: Internet

Xuất khẩu có khả năng đạt 618 tỷ USD vào năm 2030. Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, mức xuất siêu gần 10 tỷ USD là tín hiệu rất lạc quan, bởi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát vẫn đang lan rộng ở nhiều nền kinh tế lớn. Xuất khẩu hàng hóa do đó hứa hẹn nhiều điểm sáng.

Với những con số trên, Standard Chartered dự báo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%, bởi hoạt động thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, Việt Nam nổi lên là địa điểm sản xuất quan trọng, thu hút vốn FDI từ nhiều nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU... Các lĩnh vực máy móc và thiết bị điện, dệt may, điện tử… sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu.

Mức dự báo trên đã tăng thêm 83 tỷ USD so với dự báo của Standard Chartered vào năm 2021 (dự kiến xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 535 tỷ USD vào năm 2030).

Ở chiều nhập khẩu, Standard Chartered ước đoán, tới năm 2030, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm. 

Như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn tiếp tục thặng dư, nhưng chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Trong đó, ba thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ vẫn là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong những năm tới. Ngoài ra, thương mại với Ấn Độ, Singapore và Indonesia được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2030.

Để đạt được mục tiêu 618 tỷ USD, thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực tổ chức các hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN của các bộ, ngành đã góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu. 

Đồng thời, Bộ Công Thương còn nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Bộ đã đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay chúng ta đang có 15 FTA đã ký và đang được thực hiện. Bên cạnh đó, FTA với Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Bộ Công Thương cũng đang xem xét triển khai các FTA mới như FTA với UAE. Đây là quốc gia có hoạt động thương mại rất sôi động ở khu vực Trung Đông và hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ để ta đưa hàng hóa vào Trung Đông và châu Phi. Hoặc đàm phán ký kết FTA với khu vực Mercosur bao gồm 6 quốc gia tại Nam Mỹ để mở rộng thị trường sang Brazil, Mexico.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn