Nam Định: Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển

Địa phương
09:19 AM 27/12/2022

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Nam Định đã gặt hái được những thành công nhất định. Đặc biệt, thông qua chuyển đổi số trong thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Được triển khai từ năm 2018, đến nay Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Trong quá trình triển khai, Chương trình đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế "xanh", phát triển các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Phát huy lợi thế là địa phương có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn phong phú, đa dạng, tỉnh Nam Định đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2019, coi đây là mục tiêu có tính chiến lược, lâu dài nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Nam Định: Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển - Ảnh 1.

Nam Định đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP của các địa phương trên địa bàn tỉnh

Theo đó, sau hơn 3 năm triển khai, đến tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có có 251 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên (39 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao; 4 sản phẩm được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; có 2 sản phẩm là nghêu thịt đóng hộp Lenger và gạo sạch Toản Xuân đang được hỗ trợ hoàn thiện để đạt tiêu chuẩn 5 sao). Trong số này, nhóm hàng thực phẩm dẫn đầu với 231 sản phẩm, còn lại là 13 sản phẩm đồ uống, 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn…

Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, tỉnh Nam Định đã phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ khuyến khích phát triển các sản phẩm được chế biến và chế biến sâu; hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... vào sản xuất để sản phẩm tiếp cận, tham gia vào thị trường xuất khẩu…

Ngoài đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tỉnh tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu chí phát triển sản xuất trong Bộ tiêu chí NTM. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển, tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm; phát triển mới các điểm bán hàng; tổ chức các hội chợ chuyên sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, nhằm tăng cường hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển dịch vụ công nghệ Lâm Hải tổ chức ngày hội Livestream với chủ đề "Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP".

Chương trình diễn ra dưới hình thức livestream trực tuyến

Chương trình diễn ra trong 2 ngày 26 – 27/12 dưới hình thức livestream trực tuyến trên Fanpage "Sản phẩm OCOP Nam Định", với sự tham gia của 25 sản phẩm đến từ các xã, huyện trên địa bàn tỉnh, đã thu hút được đông đảo người xem và tương tác trực tuyến.  

Đại diện các chủ thể đã mang đến chương trình những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương với mục đích, thông qua livestream trực tuyến, các sản phẩm nông sản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ đến gần hơn với đông bảo mọi người trên cả nước, từng bước tạo nên tảng vững chắc để sản phẩm OCOP của địa phương có mặt trên thị trường trong cả nước.

Nam Định: Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển - Ảnh 3.

Chương trình livestream phát trên Fanpage Sản phẩm OCOP Nam Định đã thu hút được đông đảo người theo dõi

Có thể thấy, việc bán các sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP bằng hình thức livestream được coi là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Chương trình đã bắt kịp với các hình thức quảng bá mới, hiện đại cho thấy hướng đi đổi mới và phù hợp với chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Thông qua việc áp dụng công nghệ, các hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung triển khai Chương trình, phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã. Xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng bắt buộc trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP…

Lê Thủy
Ý kiến của bạn
CPI tháng 11/2024 sẽ tăng khoảng 0,15% CPI tháng 11/2024 sẽ tăng khoảng 0,15%

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 có thể tăng khoảng 0,1 - 0,15% so với tháng trước.