Nam Định: Công ty Hoàng Phong gắn bó với những con tàu
Trải qua nhiều mô hình công ty, ông Phạm Văn Bàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP đóng tàu thủy Hoàng Phong (Công ty Hoàng Phong) đã chọn gắn bó với công việc đóng tàu, giúp hơn 500 người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Đến địa phận xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định), nhắc đến ông Bàng đóng tàu thì ai cũng biết đến bởi ông không chỉ là giám đốc một doanh nghiệp phát triển vững chắc tại địa phương mà còn là một người biết nghĩ và lo cho an sinh của người dân nơi này. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông Bàng đã trải nhiều cam go, thử thách, thậm chí phải mất nhiều năm vực dậy mới tìm được đúng con đường đi của mình.
Kể về hành trình gây dựng doanh nghiệp của mình, ông Bàng nhớ lại: "Hồi trẻ, tôi khao khát làm giàu, nhưng không hiểu tại sao tôi luôn mang trong mình tâm niệm, nhất định phải làm giàu ngay trên quê hương mình".
Trước đây, nơi khu đất của Công ty Hoàng Phong là 7 lò gạch của các hộ kinh doanh cá thể, hoạt động kém hiệu quả. Với niềm tin vào đôi bàn tay sẽ làm nên tất cả, ông không nề hà việc gì, chịu khó, chịu khổ và quyết mở công ty.
Năm 2003, ông Bàng thành lập công ty xây dựng, thuê hơn 27.400m2 đất ven đê sông Ninh Cơ để lập nghiệp. Được sự đồng ý của UBND tỉnh Nam Định, ông bắt tay vào giải phóng mặt bằng. Tại thời điểm ông thuê đất, hiện trạng trên đất là 7 cái lò gạch nên ông đã xác định sẽ tận dụng những lò gạch này để mở nhà máy gạch tuy len với kỳ vọng thổi một làn gió mới, gây dựng lại vùng quê, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, công ty sản xuất gạch tuy-len phát triển tích cực. Tuy nhiên, ông nhận ra những lò gạch quá gần nơi người dân sinh sống, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Bản thân ông cũng từng chứng kiến cảnh khói bụi, cảnh người dân phân trần về ô nhiễm môi trường… Để đảm bảo cho sức khỏe và cuộc sống của người dân, ông Bàng đã quyết định dừng hoạt động nhà máy này, chuyển mô hình từ làm gạch tuy-len sang đóng tàu.
Hoạt động đóng tàu của ông Bàng bắt đầu từ 2007 nhưng không hiệu quả nên ông đã chuyển đổi sang mở nhà máy sản xuất giấy. Trong quá trình hoạt động, công ty của ông nhận được nhiều giấy khen của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi nhiều tiêu chí cao về bảo vệ môi trường. Mặc dù doanh nghiệp của ông kinh doanh có lãi nhưng một lần nữa ông đã quyết định ngừng sản xuất giấy. Thời điểm này công việc đóng tàu trở nên phát triển, ông Bàng lại trở về tập trung vào công việc đóng tàu.
Ông Bàng và Công ty Hoàng Phong nhận nhiều giấy khen và bằng khen của các cơ quan quản lý nhà nước
Năm 2009, ngành đóng tàu rất phát triển, nhưng công nhân tuyển dụng được phần lớn chưa qua trường lớp nào về ngành này nên Công ty phải vừa thuê công nhân làm việc, đồng thời phải thuê người về đào tạo cho người lao động.
Thời gian cao điểm, Công ty Hoàng Phong đã có đến hơn 500 công nhân. Một năm, Công ty Hoàng Phong có thể đóng được 7 con tàu 5.200 tấn: "Từ khi hạ thổ đến nay, con tàu đó vẫn hoạt động trơn tru trên biển. Đó là điều tôi luôn vui mừng và phấn trấn với kinh nghiệm và cái tâm làm nghề của mình", ông Bàng vui mừng chia sẻ.
Nghị định của Chính phủ năm 2009 về canh giữ biển đảo, tạo cho ngư dân công ăn việc làm, ông Bàng đã đóng 28 con tàu.
"Những con tàu này sau khi được sử dụng thì không ngư dân nào phàn nàn về chất lượng. Tất cả các quy trình đóng tàu, chọn nguyên liệu, tôi luôn giám sát rất sát sao, thận trọng. Con tàu của chúng tôi phải đạt chất lượng để đảm bảo an toàn cho người dân mỗi lần ra khơi". Đó cũng là cái tâm trong làm nghề mà ông Bàng luôn gìn giữ.
Là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm tại địa bàn nhưng tất cả các giấy tờ yêu cầu hành lang pháp lý, từ đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… đến việc nộp thuế mỗi năm Công ty Hoàng Phong đều thực hiện nghiêm. Suốt nhiều năm kinh doanh, năm nào doanh nghiệp của ông Bàng cũng hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước. Nhiều năm ông được UBND tỉnh Nam Định, Cục Thuế tỉnh Nam Định tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra. Có những năm Công ty Hoàng Phong đóng gần 20 tỷ đồng tiền thuế.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.