Nam Định: Ngăn chặn tệ nạn ma túy xâm nhập học đường
Để góp phần ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập học đường, nhiều trường trong địa bàn tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh tập huấn và tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học. Một số trường đã thực hiện những phương pháp thú vị, dễ đi vào suy nghĩ của các em học sinh, tạo hiệu quả tích cực.
Theo thống kê của các ngành chức năng, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Sự trẻ hoá của độ tuổi người sử dụng ma túy đang gióng lên hồi chuông báo động cho toàn xã hội.
Cách đây không lâu, tại một địa phương của tỉnh Nam Định đã xảy ra một trường hợp đáng lo ngại. Một người phụ nữ lạ mặt đã mời gọi trẻ em sử dụng thuộc lá điện tử. Không chỉ vậy, người phụ nữ này còn mời mọc các em rằng, nếu em rủ được thêm người cùng hút, em sẽ được tặng điếu thuốc lá điện tử và cho thêm 50 nghìn đồng. Với sự thiếu hiểu biết và tính tò mò của các em, một số em đã tham gia hút thử.
Sau khi vụ việc được phát hiện, công an xã đã ngay lập tức ra văn bản cảnh báo sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử, nguy cơ kẻ xấu tẩm ma túy vào thuốc lá và ra thông báo đề nghị phụ huynh và nhà trường phối hợp với cơ quan công an. Thêm vào đó, nhà trường và phụ huynh cần tích cực giáo dục và bảo ban các em về sự nguy hại của ma túy, yêu cầu các em không được nhận hay thử đồ từ người lạ.
Năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng, nhiều trường trong địa bàn tỉnh Nam Định đang đẩy mạnh tập huấn và tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học. Một số trường đã thực hiện những phương pháp thú vị, dễ đi vào suy nghĩ của các em học sinh, tạo hiệu quả trong việc phòng, chống ma túy trong trường học. Các nội dung quan trọng mà các em học sinh được tiếp cận có thể kể tới như: kiến thức, kỹ năng nhận biết các loại ma túy mới, trá hình phổ biến, nguy hiểm hiện nay và tác hại của chúng; kỹ năng nhận biết và xử lý khi nghi ngờ, phát hiện người sử dụng ma túy, nghiện ma túy...
Phòng, chống ma túy cần sự chung tay của cả xã hội
Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) là một trường hợp đáng chú ý. Cụ thể, trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các buổi họp Hội đồng giáo dục đầu tháng, các buổi họp tổ, họp đoàn thể. Với học sinh, các em được tiếp cận các thông tin từ buổi học nội quy đầu năm học, các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, đầu tháng. Không chỉ vậy, trường cũng khéo léo lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào các giờ dạy như Ngữ Văn, Sinh học,… Trường cũng mời Công an thành phố tới nói chuyện trực tiếp tại trường, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh.
Cùng với đó, Trường THCS Trần Đăng Ninh cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp để các em mở rộng tầm hiểu biết về các vấn đề trong xã hội, giúp các em nâng cao tính cảnh giác với các thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội để không mắc phải.
Trường cũng phối hợp với công an phường Hạ Long xử lý các hộ kinh doanh có biểu hiện làm ảnh hưởng tới an toàn trường học. Với hình thức ngày càng tinh vi và khó phân biệt với những người chưa hiểu đầy đủ về ma túy, các đối tượng xấu rất dễ dàng khiến các em học sinh chạm tới những sản phẩm như đồ ăn vặt, nước hoa quả nhỏ,... chứa ma túy mà các em không hề hay biết. Đáng chú ý, ma túy được pha trộn vào lọ hương liệu thuốc lá điện tử mà các em có thể mua với giá rẻ.
Với sự cẩn trọng và nhiều hoạt động thiết thực, nhiều năm qua, Trường THCS Trần Đăng Ninh không có hiện tượng học sinh liên quan đến ma túy. Trường được đánh giá là "Mô hình tiêu biểu trong việc triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống ma túy" của tỉnh Nam Định.
Cùng với Trường THCS Trần Đăng Ninh, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định) cũng đã có nhiều biện pháp thiết thức nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Điều đáng chú ý là cách thức tuyên truyền của Trường THPT Nguyễn Huệ.
Cụ thể, bên cạnh những hoạt động tuyên truyền thông thường như tập huấn trực tiếp hay tích hợp vào môn học, Trường Trường THPT Nguyễn Huệ đã tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như MXH Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử của trường,… Cùng với đó, trường cũng tổ chức ký cam kết trong cán bộ, giáo viên, học sinh về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội.
Không chỉ vậy, trường còn tổ chức các hoạt động xã hội như công tác thiện nguyện, các hoạt động trải nghiệm, học tập kỹ năng "mềm". Các hoạt động ý nghĩa này được nhiều em hưởng ứng tham gia, không chỉ là cơ hội để các em làm việc tốt, nâng cao nhận thức, tăng cường tình đoàn kết mà còn khiến các em tìm thấy nhiều niềm vui trong cuộc sống, tránh xa các cám dỗ ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, Trường THPT Nguyễn Huệ cũng sử dụng hệ thống camera an ninh để theo dõi, giám sát phòng ngừa và đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Cán bộ, nhân viên và học sinh trong trường cũng được đào tạo về các quy trình an toàn, cách phản ứng khi gặp tình huống khẩn cấp.
Trước mối đe doạ của ma túy và tệ nạn xã hội, đặc biệt là khi độ tuổi ngày càng trẻ hoá, công tác phòng, chống ma túy xâm nhập môi trường học đường cần được các trường học ngăn chặn gay gắt. Để làm được điều này cần sự phối hợp của nhà trường, gia đình và các ngành chức năng để công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả cao nhất.
Minh HùngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.